Ông đánh giá như thế nào về thực trạng bảo vệ quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay?
Các cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực tìm mọi biện pháp thúc đẩy hoạt động SHTT nói chung và các quyền SHTT của các doanh nghiệp (DN) nói riêng. Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với tình trạng xâm phạm quyền SHTT diễn ra rất phổ biến. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này như nhận thức của các DN chưa đầy đủ, đường biên giới của chúng ta rất dài và đa dạng. Hàng hóa xâm phạm đi qua biên giới không qua các cửa khẩu chính ngạch mà đi theo đường tiểu ngạch. Mặc dù đã có hàng loạt vụ bị bắt giữ nhưng chưa xuể. Qua báo cáo của các cơ quan thực thi, nhất là quản lý thị trường, cho thấy, các hoạt động buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi, thay đổi rất nhiều cách thức để có thể khai thác lợi nhuận từ buôn bán hàng giả. Đây là khó khăn lớn đối với các cơ quan thực thi.
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT
Vậy, theo ông chúng ta cần phải có phương án nào để giải quyết?
Trước tình hình đó, các ngành, các DN, người tiêu dùng phải hiểu rõ quyền SHTT. Nếu chúng ta nâng cao được nhận thức về quyền SHTT, có văn hóa khai thác quyền SHTT thì sẽ nói không với hàng giả và trong trường hợp ấy chúng ta góp phần đáng kể ngăn chặn việc tiêu thụ hàng giả. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải tiếp tục nâng cao kiến thức về SHTT, bởi đây là đối tượng hết sức đặc biệt - loại tài sản vô hình và không phải một cách thuần túy dễ dàng nhận dạng. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi trong nước và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để giúp cho các cán bộ của chúng ta nâng cao được năng lực để nhanh chóng đối phó với mức độ xâm phạm ngày càng lớn.
Các chuyên gia cho rằng, một trong các nguyên nhân chính khiến tình trạng xâm phạm SHTT ngày càng gia tăng là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Ông nhận định sao về vấn đề này?
Theo tôi, không phải chúng ta thiếu các chế tài để xử lý, bởi hệ thống luật pháp của chúng ta hiện đã bảo đảm những tiêu chuẩn tối thiểu do WTO đặt ra. Chính vì thế chúng ta hoàn toàn có thể xử lý bằng các biện pháp khác nhau: Hành chính, dân sự, hình sự. Song một khó khăn hiện nay để khởi tố vụ án hình sự đối với vi phạm SHTT, các cơ quan chức năng phải tiến hành xem xét hành vi vi phạm đó có đạt ở mức quy mô thương mại hay không, nhưng trong các văn bản của chúng ta hiện nay lại không có hướng dẫn cụ thể như thế nào, ở mức nào là quy mô thương mại. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ phải được giải quyết khi chúng ta tham gia vào TPP. Vì đây là yêu cầu đã được quy định trong TPP, các nước sẽ phải chấp nhận các nguyên tắc đánh giá thế nào là “quy mô thương mại”. Khi đó, việc xử lý về hình sự là chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được.Cũng phải nói rằng, tùy điều kiện cụ thể của mỗi nước mà có các hình thức xử lý khác nhau. Với tâm lý ngại ra tòa khi giải quyết các tranh chấp vì ngại bị ảnh hưởng, cho dù đấy là những nguyên đơn, cùng với thời gian xử lý theo hình thức hình sự thông qua tòa án thường kéo dài nên hiện nay các hành vi xâm phạm quyền SHTT ở nước ta thường được xử lý bằng biện pháp hành chính. Tuy nhiên, xử lý bằng biện pháp này tuy đạt được kết quả nhanh nhưng không triệt để.
Xin cảm ơn ông!