Thời kỳ mới của chuyện làm ăn
Trước khi có cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xã hội phát triển của loài người đã trải qua 3 cuộc cách mạng: cách mạng chế tạo động cơ hơi nước, cách mạng động cơ điện và cách mạng chế tạo chất bán dẫn. Cuộc cách mạng lần này từng bước thay đổi vai trò công nhân lao động bằng công nhân công nghệ và họ kiểm soát một cách nhẹ nhàng, thông minh các rô bốt làm tất cả mọi công việc, mang lại hứa hẹn sự thay đổi toàn diện, lớn lao của ngành chế tạo tất cả các loại sản phẩm mang những thương hiệu khác nhau, đem hạnh phúc đến người tiêu dùng.
Các nhà khoa học hàng đầu thế giới ước lượng, chỉ 3 năm nữa thôi (năm 2020) sẽ có 50 tỷ thiết bị trên toàn hành tinh được kết nối; cùng thời điểm giá trị thị trường kinh tế của Internet vạn vật đạt khoảng 11.000 tỷ USD, cung cấp 12 triệu việc làm mới…
Trước viễn cảnh vừa nêu, đầu năm 2017 Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 47 tại Davos - Thụy Sĩ, người ta đã bàn cãi nát nước nát cái việc phải làm gì để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 thông qua chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Mới đây nhất, tại Hội nghị G20 họp ở CHLB Đức (ngày 7 - 8/7/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các nước G20 đưa vấn đề khởi nghiệp vào chương trình hoạt động của mỗi quốc gia vì sự phát triển trong thời kỳ mới. Những điều vừa nói minh chứng tầm quan trọng cả vĩ mô, vi mô trên phạm vi toàn cầu, và không một quốc gia nào, một bộ ngành hay doanh nghiệp, làng nghề, bệnh viện, trường đại học… được phép làm ngơ.
Đào tạo nguồn nhân lực thời kỹ thuật số
Việt Nam tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó có tinh thần khởi nghiệp. Một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP.HCM thực hiện thành công một số ca mổ với sự hỗ trợ của rô bốt. Mới rồi, rô bốt đến từ Nhật Bản đang mải miết đào hầm dưới lòng đất ở TP.HCM trong dự án đường tàu điện ngầm…
Với hàng loạt công nghệ mới, hiện đại, cuộc cách mạng 4.0 sẽ thay thế dần lực lượng công nhân hiện tại. Đó không phải là một cuộc đào thải nhân công vô trách nhiệm, mà là sự chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao, từ lao động trình độ thấp, thậm chí đơn giản chuyển đổi sang số, sang lao động có trí tuệ. Đó là nền kinh tế tri thức của thời công nghiệp số. Để chiến thắng, bắt buộc người lao động nhân cơ hội này mà rèn luyện kỹ năng tay nghề, ngoại ngữ, thường xuyên cập nhật thông tin về đổi mới công nghệ… Đơn giản vì trong cuộc cách mạng 4.0 con người vẫn là trung tâm, bên cạnh coi trọng thể chế cũng như nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Tuy nhiên, những nhân lực trì trệ, bảo thủ, “chỉ đâu đánh đó”, không dám vươn lên, không đủ trình độ nắm bắt thời cơ trong một thế giới vận động, thay đổi nhanh sẽ là người đầu tiên bị đào thải khỏi cuộc chơi.
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông mới đây nhấn mạnh: Trong 8 nhóm giải pháp đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần ưu tiên triển khai thực hiện bằng được nhóm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho phát triển kinh tế - xã hội, nhằm xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí.
Cơ hội nâng tầm cao giá trị thương hiệu Việt
Đất nước nói chung, doanh nghiệp nói riêng đang ở năm thứ 31 của sự nghiệp đổi mới. Trong cuộc trường chinh làm giàu cho Tổ quốc, cho từng doanh nghiệp, dù đã mang lại nhiều hoa trái ngọt lành nhưng nhìn thẳng sự thật, đất nước và làng kinh doanh vẫn thiếu những thương hiệu đáng giá, gây tiếng vang trong nước và nước ngoài.
Lận đận như quả vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã bao năm rồi, năm nay nhờ thay đổi cung cách làm ăn, chăm bón, vun trồng, nên quả vải thiều Bắc Giang mới xuất khẩu sang Thái Lan và đến được mấy thị trường khác, bà con nông dân thu về nguồn lợi lớn. Ngon ngọt như quả vải thiều huyện Thanh Hà (Hải Dương), nổi tiếng vì có cây vải tổ đã trên trăm tuổi, nhưng vẫn chưa có thương hiệu vải thiều Thanh Hà bền vững để người tiêu dùng lưu tâm.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, làng nghề trong cả nước nắm lấy cơ hội thay đổi mọi thứ hiện có, tạo dựng, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ cũng như năng lực nghiên cứu và phát triển, làm ra các sản phẩm trọng điểm về công nghệ cao… Để đạt tới đich mong đợi, cần thiết dành vốn để ưu tiên mua hoặc ký kết chuyển giao công nghệ mới, hiện đại, đủ tầm, đủ sức cạnh tranh. Hãy tỉnh táo từ chối những công nghệ lạc hậu mà họ bỏ ra nhưng lại dẻo kẹo quảng cáo khi rao hàng…/.
Hồng Linh Nga