banner-sapuwa
banner-quang-cao-2

Câu chuyện về "Vua cúc áo" Tôn Thạnh Nghĩa

Ngày đăng 01/07/2021 08:40:08

Dù chỉ khởi nghiệp trên chiếc gác xếp chật chội trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, nhưng doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nút áo Tôn Văn đã góp nhặt những ý tưởng trong thế giới tự nhiên để ứng dụng vào ngành sản xuất nút áo tạo ra những thành phẩm độc đáo từ vỏ sò, trai, ốc (hay còn gọi là nút xà cừ) và ông được mệnh danh là "vua cúc áo" Việt Nam.

Ông Tôn Thạnh Nghĩa sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam. Ông tốt nghiệp ngành Thủy lợi Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Ông Nghĩa từng kể về thời thiếu niên nghèo khó cùng gia đình, sống mộc mạc đến giản đơn, nên trong suy nghĩ ông luôn khát khao làm giàu và đổi đời.




Vua cúc áo" Tôn Thạnh Nghĩa. Nguồn: Internet.

Ra trường ông làm viên chức nhà nước không lâu rồi đầu quân cho một công ty sản xuất nút xà cừ của Nhật Bản. Ông làm phiên dịch cho họ, giúp họ “chạy” các thủ tục, gặp các lãnh đạo ở Ủy ban Hợp tác và Đầu tư nước ngoài. Công ty của Nhật được cấp phép đầu tư, thành lập năm 1993.

Bốn năm sau, năm 1997, sau khi phục vụ các ông chủ Nhật, được họ yêu mến và đã tiếp nhận được công nghệ từ họ, ông Nghĩa bắt đầu tự làm ông chủ. Ông nghĩa bắt đầu khởi nghiệp trên chiếc gác xếp chật chội trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo tại quận Phú Nhuận (TP.HCM) với một tổ sản xuất có 6 người.

Trong thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, công ty ông Nghĩa sản xuất ra những chiếc nút áo chất lượng không tốt, ông bỏ đi làm lại và có những lúc tưởng chừng như phá sản. Dần dần, ông tự nhận sai rồi sửa bằng cách khách hàng chê chỗ nào thì sửa chỗ đó.

"Lúc đó mình cũng buồn, phải nói là vô lý tại sao mình làm tốt như vậy, đâu có thua ai mà họ lại chê. Nhưng rồi về sau mình cũng phải nghĩ cách để làm cho tốt hơn, cho đạt yêu cầu của người ta... Anh cố làm cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có", ông Tôn Thạnh Nghĩa chia sẽ.

Thời điểm mới thành lập công ty và làm nút áo bằng vỏ ốc vỏ sò, trên thị trường hầu như chưa có doanh nghiệp nào làm sản phẩm tương tự. Giai đoạn đầu khi còn thiếu kinh nghiệm và vốn, ông chú trọng đến việc làm chậm nhưng phải đảm bảo tính kỹ lưỡng và chất lượng sản phẩm.

Bài toán chi phí trong điều kiện ít vốn cũng phải tính toán kỹ và tiết kiệm tối đa. "Ví dụ như dao cắt nút chuyên dụng là phải cố mua cho được. Kim khoan lỗ phải chọn cái thật tốt", ông Nghĩa nói.

Ngoài khó khăn thì doanh nghiệp của ông cũng được hưởng những điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu vỏ ốc, vỏ sò sẵn có, rải rác trên đường bờ biển dài hơn 3.000km ở Việt Nam và cả các đảo, quần đảo.

Thời điểm đó, vỏ ốc, sò còn rất nhiều tiềm năng khai thác bởi các doanh nghiệp lúc bấy giờ chỉ khai thác sản phẩm này để trạm khảm, gắn lên đồ gỗ mỹ nghệ.

Sau này, khi đã thành thục và nắm rõ công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật dùng lazer để in hình nút áo, công ty của ông cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao hơn và có nguồn gốc từ thiên nhiên nên được giới thời trang công nhận và trở thành đối tác của ông Nghĩa.

Cho đến ngày nay, vượt qua biết bao trở ngại chông gai, Công ty Tôn Văn đã là một nhà máy sản xuất trên mặt bằng hơn 10.000 m2 với 150 công nhân. Doanh thu thì tính bằng số triệu USD, gấp mấy lần công ty của ông chủ cũ. Ông Tôn Thạnh Nghĩa đã giúp thương hiệu nút áo Tôn Văn chinh phục được những hãng may mặc thời trang khó tính nhất thế giới, như: Hugo Boss, Dior, adidas, Van Laack, Oui, Escada, Ralph Lauren... Đặc biệt là trong những show diễn thời trang lớn nhất ở Paris, New York, Milan, Tokyo, Tôn Văn là một sản phẩm Việt duy nhất được gắn trên những bộ trang phục lịch lãm và rất đắt tiền. Ngoài xuất khẩu ra nước ngoài, ông Nghĩa cũng chinh phục thị trường trong nước với sản phẩm nút áo với giá thành rẻ hơn từ 5 – 7 lần so với sản phẩm nhập từ nước ngoài.

Kể từ khi khởi nghiệp và miệt mài với sản phẩm nút áo bằng vỏ sò, tới nay ông đã gắn bó với nghề này được 25 năm. Trong thời gian làm từ thiện cùng đoàn bác sỹ người Nhật phẫu thuật mổ và chữa trị cho những trẻ em bị sứt môi, ông nhận thấy các bác sỹ hay mua quà về để về tặng mọi người khi về nước. Từ đó, ông Nghĩa tiếp tục nghĩ ra phải làm một sản phẩm quà tặng từ vỏ ốc thiên nhiên của Việt Nam cho du khách quốc tế. 

Cây bút máy từ vỏ ốc ra đời với hơn 10 năm thử nghiệm rồi chính thức xuất sản phẩm trên thị trường. Với sản phẩm bút máy mới ra mắt này, ông Nghĩa để lại công việc kinh doanh cho con gái cũng như công nghệ chạm khắc để con độc lập tự làm.

Chia sẻ về sự nghiệp gắn bó với bản thân hơn nửa đời người, ông Nghĩa nói trên Trên kênh truyền hình TP HCM: "May mắn là cuộc đời cũng đi theo sở thích của tôi. Nghề sản xuất là nghề tạo ra của cải và tôi rất may mắn đã theo được cái nghề này".

Mới đây ông đã đưa con gái ông là Tôn Nữ Xuân Quyên, nhà sáng lập công ty BluSaigon với sản phẩm chính là bút ngọc trai tới Shark Tank mùa 4 đã gọi vốn và đã gọi vốn thành công 4 tỷ đồng từ ông Nguyễn Thanh Việt để đổi lấy 32% cổ phần.

Theo: Doanh nghiệp và Hội nhập
Ngày đăng 01/07/2021 08:40:08
1 views
Các tin khác
«   12345  »
Trang chủDanh bạ doanh nghiệpSở hữu trí tuệVăn bản pháp lýChương trình thương hiệuThông tin doanh nghiệp