DAN KOEPPEL – TRẦN HỮU MINH
Biên dịch (Từ bản tiếng Thái của Vithjavirot)
Bài 3: CHUỐI CÓ KHẮP NƠI
Ở châu Á có hàng trăm loại chuối, có một nơi đáng nêu danh và tiêu biểu nhất là đất nước Ấn Độ. Ấn Độ có khoảng 670 loại chuối trồng, 32 loại chuối rừng (trong đó có những loại chỉ phát hiện được một hai cây), phổ biến nhất là chuối tiêu xanh, nhưng loại được ưa chuộng nhất là loại Maisora, quả có vị chua ngọt, vỏ không dày lắm. Chuối được trồng rất nhiều ở Ấn Độ, với khoảng 17 triệu cây (chiếm đến 20% sản lượng chuối trên toàn thế giới, gấp 3 lần so với Ecuador - nước sản xuất chuối đứng hạng thứ nhì trên thế giới).
Người Ấn Độ rất thích ăn chuối và gọi chuối là Culputbaru, theo tiếng Sunsacrit có nghĩa là tinh khiết. Người ta còn cho rằng chính các tu sĩ Ấn từ xa xưa đã ngồi dưới bóng các cụm chuối để tụng kinh. Chuối còn là một phần của nữ thần tượng trưng cho sự giàu có, sắc đẹp và trí tuệ. Thậm chí họ còn sử dụng chuối làm lễ vật trao cho cô dâu trong lễ cưới mong có con đàn cháu đống. Tại đất nước này, hễ nói đến quả chuối người Ấn Độ thường dẫn những câu chuyện mang màu sắc bí ẩn. Như trong một hội nghị lớn trao đổi về vấn đề an ninh lương thực vào năm 1998, Planịanti - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về chuối của Ấn Độ đã hết lời ca ngợi chuối: "Chuối là món quà kỳ lạ của Mẹ thiên nhiên trao tặng"… Chuối thường được dùng để nấu canh hoặc được sấy khô; lá chuối làm lá gói, làm đĩa đựng thức ăn, thậm chí có nơi họ cắt lá thành những tấm nhỏ ăn thay cho thịt. Người Ấn còn nướng, rán vỏ chuối rồi pha trộn với đậu để ăn. Có địa phương còn lấy chuối để chế biến gia vị thay cho cà chua. Mặc dù được trồng nhiều nhưng chuối của Ấn Độ hầu như không xuất khẩu. Tìm được thị trường cho chuối là thách thức khó khăn nhất mà Ấn Độ gặp phải.
Vườn chuối trĩu quả tại Ấn độ
Khu vực Đông Nam Á có loại chuối rất nổi tiếng có tên Pik Bodeang - được đặt theo tên nhà khoa học người Pháp đã phát hiện ra nó: NycolusBodeang. Khoảng những năm đầu thế kỷ thứ 19, NycolusBodeang đã phát hiện ra loại chuối này và đưa cho một khu vườn trên hòn đảo Matinic ươm trồng. Đến năm 1835, Non Fransur Purjaet đã đem giống chuối này về trồng ở Jamaica, và được người địa phương đổi tên thành chuối Pojo. Nhờ Pojo, Purjaet đã được trao tặng huy chương vàng. Khoảng 4 thập niên sau, loại chuối này trở nên phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, và một lần nữa được đổi tên thành Kload Michel (được mô tả là một loại chuối quả khá to). Sau đó một thế kỷ, loại chuối này biến mất và một lần nữa xuất hiện tại Trung Quốc với tên gọi: chuối tiêu xanh Cavendis.
Hơn 3.000 năm qua, chuối đã theo chân các nhà thám hiểm trên những con tàu vượt đại dương đi từ châu Á sang các châu lục khác. Trong chuỗi hành trình này, chuối đã có cả phần tiến hóa và bị hủy hoại, vì đây là loại cây rất nhạy bén dễ bị tiêu hủy do sâu bệnh. Khó vẽ ra cụ thể những con đường mà chuối đã đi qua, nhưng theo tên gọi người ta chỉ có thể hình dung được chuối đi từ Đông Nam Á và Papua New Guinea rồi dịch chuyển theo hướng kim đồng hồ đến Úc, Tân Tây Lan (New Zealand), Polenesia, rồi cuối cùng kết thúc ở Hawai.
Người vùng đảo Samua gọi chuối là Mê-a, theo tiếng Mauri ở Tân Tây Lan là May-kha, còn ở Hawai là May-a. Ở Indonesia chuối được gọi với cái tên Pi-xăng, tương tự như ở Philippines, Malaysia, và đảo New-ki-ni…
Cách đây không lâu, tác giả đã phát hiện một loại chuối mới được bán trên chợ hoa quả ở Los Angeles (Mỹ). Loại chuối này to gấp đôi chuối bình thường, ngắn hơn các loại chuối khác, và nó chỉ được bày bán có vài nải nhưng có giá đắt gấp ba lần chuối bình thường. Đó là chuối Lacatan, có nguồn gốc từ Philippines được mang sang trồng ở vùng Caribe. Chuối có hương vị rất ngon, phần thịt màu cream, ăn rất thơm, đậm đà và được ví von là "vua của các loài chuối".
Philippines là quốc gia sản xuất chuối đứng thứ 5 thế giới, phổ biến nhất là loại chuối tiêu xanh thường chất đống ở các khu chợ và gian hàng hoa quả trong hội chợ. Ngoài chuối tiêu xanh, Philippines còn trồng rộng rãi một số loại cây tương tự với giống chuối Lacatan, tiêu biểu cây đay Manila Abaca – loài cây cùng họ với cây chuối. Dây đay Manila rất chắc và bền nên được dân địa phương dùng để cột giữ thuyền ở các bến tàu và dệt túi dựng đồ. Tuy nhiên, cây đay Abaca hiện đang bị dịch bệnh tàn phá. Năm 2005, dịch bệnh đay Abaca phát triển mạnh tại tỉnh Southern Leyte, thuộc quần đảo lớn nhất ở Philippines. Từ 400ha nhiễm bệnh năm 2001 đã tăng lên 18.000ha năm 2005. Dịch bệnh này ngày càng lan rộng và có thể sẽ lây lan sang cây chuối Lacatan. Trước đó, những năm 1970 khi Philipines bắt đầu phát triển trồng chuối thương mại, các vườn chuối từng bị dịch bệnh đe dọa do một số giống nhập từ Nam Mỹ mang theo mầm bệnh.
Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Campuchia… cũng là những quốc gia trồng rất nhiều chuối (chưa có số liệu thống kê cụ thể). Họ có những trang trại chuối khổng lồ, mang lại nguồn lợi lớn.
Ở Thái Bình Dương, đến hòn đảo nhỏ nhất cũng có hàng chục loại chuối. Đảo Pohnpei - hòn đảo lớn nhất của Liên bang Mycronisia (diện tích bằng 1/4 thủ đô Paris - Pháp)) có hơn 20 loại chuối rất lạ, quả to, hơi ngắn, vỏ đỏ hoặc tím đỏ, thịt trắng xóa, hoặc vàng đậm. Chuối ở Thái Bình Dương phần lớn cùng chủng loại, và có giá trị dinh dưỡng cao. Theo khảo nghiệm, một số loại chuối ở đây có rất nhiều chất Beta-carotin, tiền đề của vitamin A giúp phòng chống bệnh mù lòa, hoặc bệnh sốt rét, bệnh sởi, và bệnh tiêu chảy – bệnh lý thường xảy ra ở những trẻ nhà nghèo, thiếu thốn. Tùy từng loại có chứa chất Beta-carolin trong mỗi quả từ 1.000 đến 6.000micro gr.
Thị trường ở Châu Phi
Ở châu Phi, chuối được trồng ở vùng phía Đông cao nguyên châu Phi, xung quanh biển hồ Victoria. Người dân châu Phi còn có những bài hát ca ngợi cây chuối, đôi khi dùng chuối thay cho đồng tiền (người nông dân có thể vay tiền và thanh toán lại bằng chuối). Thậm chí, có loại chuối chỉ dùng để ăn mừng khi có người sinh đôi; có loại được tin có thể giúp đôi trai gái dù đã chia tay sẽ tái hợp; có loại như chuối Polocoma giúp nam giới mạnh như sư tử... Ở châu Phi, họ thường thết đãi khách bằng Matoke - món ăn làm từ chuối tươi nghiền, bọc trong lá chuối nướng trên bếp than. Món này dùng với Tonto (bia chuối). Trong những dịp đặc biệt đón khách từ phương xa, bữa ăn sẽ kết thúc bằng loại rượu chuối Waragi. Khu vực các nước Trung Phi từ Cana va Cameroon ven bờ Atlantic, dọc theo phía Đông đến Uganda, Rwanda và Burundi – các dãy núi bao quanh 3 biển hồ Victoria, Tundanica và Kiwu được xem như “thủ phủ” của chuối trên thế giới. Ở Uganda, chuối là cây lương thực chính với sản lượng 11 triệu tấn/năm, mức tiêu thụ 500 pound/người/năm, gấp 20 lần ở Mỹ. Riêng tại một số vùng thôn quê Uganda, mức tiêu thụ còn lên tới 970 pound/người/năm.
Chuối ở châu Phi phần lớn không phát triển đi quá xa vùng trồng, chỉ quanh quẩn trong địa giới không quá 100km. Mặc dù không được bảo quản bằng cách đóng hộp, đóng túi, hóa chất hay nhiệt độ, nhưng có thể nói chuối là một trong những loại trái cây có hành trình di chuyển ly kỳ nhất thế giới, trải dài hàng ngàn năm từ Thái Bình Dương sang tận lục địa châu Phi./.