Ảnh minh họa: GH
Triển khai nhiều nhiệm vụ
Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 09 văn bản để triển khai thực hiện các chính sách trong khuôn khổ Chương trình như hướng dẫn về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP và Nghị định số 41/2022/NĐ-CP; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP; hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP; về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp theo Nghị định số 148/2021/NĐ-CP; cắt giảm những khoản chi NSTW đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình theo Nghị quyết số 77/NQ-CP; cung cấp tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg; hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Ngân hàng Chính sác xã hội năm 2022 theo Quyết định số 448/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.
Bên cạnh đó, đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí trong dự toán NSNN năm 2023 là 6.753 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam theo Nghị quyết số 70/2022/QH15; bổ sung 240 tỷ đồng cho các nhiệm vụ chi đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của NSTW năm 2021 theo Nghị quyết số 521/NQ-UBTVQH15.
Cùng với đó, đã ban hành theo thẩm quyền các hướng dẫn về nghĩa vụ nộp thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; về thực hiện báo cáo tình hình giải ngân hàng Quý, xác nhận nhu cầu giải ngân Quý tiếp theo; trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương gửi báo cáo cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 của tháng cuối mỗi Quý; thông báo bổ sung kinh phí cho các địa phương thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đến nay, đã thông báo bổ sung 4.601 tỷ đồng cho 32 địa phương).
Bên cạnh các nhiệm vụ chủ trì thực hiện, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách, như: phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học dân lập, tư thục theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng, trình Chính phủ, ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 đến năm 2023; giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, đồng thời xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank và các ngân hàng thương mại (Vietinbank, Vietcombank và BIDV) giai đoạn 2021-2023; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 584/NQ-UBTVQH15; trong đó, ngoài việc bổ sung dự toán cho các nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, Nghị quyết cũng quy định việc sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Kết quả thực hiện các chính sách
Tổng số thuế đã gia hạn năm trong 2022 ước khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 78,5% số dự kiến khi xây dựng Chương trình (135 nghìn tỷ đồng); trong đó: gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP là 96,3 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định của Chính phủ số 32/2022/NĐ-CP là 9,6 nghìn tỷ đồng.
Tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2022 ước khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến khi xây dựng Chương trình (64 nghìn tỷ đồng), trong đó: Giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng; giảm thuế suất thuế xuất nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC khoảng 900 tỷ đồng.
Trước tình hình giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng cao đột biến, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn. Ước thực hiện các chính sách này năm 2022 khoảng 30.677 tỷ đồng.
Nguồn lực thực hiện Chương trình
Theo phương án huy động nguồn lực cho Chương trình, năm 2022, đã thực hiện bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển 38,15 nghìn tỷ đồng (gồm: 18,58 nghìn tỷ đồng nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và 19,57 nghìn tỷ đồng nhiệm vụ thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sử dụng nguồn vốn của Chương trình) theo Nghị quyết số 584/NQ-UBTVQH15. Nhờ kết quả thu NSNN năm 2022 tích cực, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm đã đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện Chương trình mà không phải huy động thêm vốn.
Để thực hiện các nhiệm vụ còn lại của Chương trình, Bộ Tài chính đã tổng hợp nhu cầu nguồn lực vào dự toán năm 2023 trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định (khoảng 157 nghìn tỷ đồng). Việc huy động vốn cụ thể phụ thuộc vào tình hình thu, chi NSNN năm 2023, điều kiện thị trường trong và ngoài nước; trong đó, tập trung huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ nội tệ và vay ODA, ưu đãi nước ngoài; các nguồn vay hợp pháp khác cho Chương trình sẽ chỉ sử dụng khi nhu cầu huy động vốn tăng cao và thị trường trái phiếu Chính phủ, vay nước ngoài không đáp ứng đủ. Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình.
NS