Đầu năm 2014, CSM sẽ cho ra lò những sản phẩm lốp radial toàn thép đầu tiên với hai mục đích, tiến công vào một phân khúc thị trường còn bỏ trống, gia tăng thị phần săm lốp trong nước và xuất khẩu.
Rộng đường trong nước, sáng cơ xuất khẩu
CSM hiện chỉ cung cấp cho thị trường sản phẩm lốp bias (màng chéo) và radial bán thép. Nhưng sản phẩm lốp radial toàn thép ưu việt hơn hai loại sản phẩm trên với độ bền tăng gấp hai lần, giảm tiêu hao nhiên liệu 12-16%, sinh nhiệt thấp, tản nhiệt nhanh và đặc biệt phù hợp với xe ôtô chạy tốc độ cao. CSM nhìn thấy cơ hội rất lớn khi đầu tư vào lốp radial toàn thép. Nhà máy lốp ôtô radial toàn thép được thực hiện qua 3 giai đoạn: giai đoạn 1, triển khai từ tháng 3/2012 đến cuối năm 2013 với công suất 350.000 lốp xe/năm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Giai đoạn 2, triển khai từ cuối năm 2013 đến cuối năm 2015, nâng công suất sản xuất lên 600.000 lốp xe/năm. Giai đoạn 3, triển khai từ cuối năm 2015 đến năm 2017, nâng công suất sản xuất lên 1 triệu lốp xe/năm. Theo dự kiến của CSM, khi hoàn thành sẽ tạo thêm doanh thu hàng năm gần 5.000 tỷ đồng. Dự án này được giới chuyên môn đánh giá khá hiệu quả vì đúng tiến độ, chủ động nguồn nguyên liệu, chi phí vốn không quá cao…
Điều đáng nói, vấn đề quyết định tới sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất lốp xe đến từ “lợi thế dọc”, bắt đầu từ phát triển nguồn nguyên liệu thô cho đến các hoạt động bán lẻ chuyên nghiệp. Có thể thấy, CSM tận dụng tốt nguyên vật liệu trong nước bằng cách liên kết với các nhà máy chế biến cao su nội địa để có giá cạnh tranh nhất. Ngay cả những nguyên liệu phải nhập khẩu như cao su tổng hợp, vải mành, than đen, thép tanh, các loại hóa chất và nhiên liệu khác thì CSM tìm cách góp vốn liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để hạn chế rủi ro về giá và ổn định cho nguồn nguyên liệu đầu vào. Chẳng hạn năm 2008, CSM tham gia góp vốn liên doanh xây dựng Nhà máy sản xuất than đen tại Việt Nam cùng tập đoàn RPG của Ấn Độ.
Rõ ràng, CSM đang kỳ vọng vào dự án này để giành lấy thị phần cả trong lẫn ngoài nước. Cánh cửa xuất khẩu khá tươi sáng bởi lốp radial toàn thép hiện chiếm khoảng 90% số lượng lốp tiêu thụ ở các nước đang phát triển. Ở các nước đang phát triển, tỉ lệ này thấp hơn dưới 60%, nhưng tăng trưởng tốt đều đặn qua mỗi năm do cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển đang dần được cải thiện. Mặt khác, CSM muốn tận dụng cơ hội từ việc sản phẩm lốp ôtô Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chính của CSM, đang bị đánh thuế chống phá giá tại các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Ấn Độ… Thật là nhất cử mà lưỡng tiện!
Những kẻ ngáng đường
Có một thực tế, không chỉ CSM nhìn ra cơ hội ở mảng thị trường này. Các đối thủ cũng có những bước đi nhanh không kém CSM. Một trong những đối thủ cạnh tranh khó chịu của CSM lại đến từ thương hiệu nội địa. Nếu tính tổng doanh thu thì CSM đứng đầu thị trường nội địa, nhưng tính riêng phân khúc săm lốp xe tải và máy kéo tại Việt Nam thì chính DRC chứ không phải CSM mới là người dẫn đầu với thị phần lớn nhất là 35%. DRC cũng là người đi nhanh hơn CSM trong việc sản xuất lốp radial toàn thép với nhà máy đã đi vào hoạt động trong tháng 6/2013, công suất 300.000 lốp/năm và sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2015.
Khó cạnh tranh được với DRC tại phân khúc săm lốp xe tải, CSM tìm kiếm cơ hội ở phân khúc lốp xe dành cho ôtô con, nhưng theo dự báo thì phân khúc này vẫn sẽ tăng trưởng chậm trong những năm tới. Theo ông Motoki Nagasawa, Tổng Giám đốc Bridgestone Việt Nam, thị trường xe ôtô con tại Việt Nam còn quá nhỏ.
Ngoài ra, CSM đang chịu sức ép lớn từ các thương hiệu nước ngoài cạnh tranh trên tất cả các phân khúc sản phẩm chứ không riêng gì lốp xe radial toàn thép. CSM từng kỳ vọng cạnh tranh về giá nhờ lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhưng các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng đã vào Việt Nam đặt nhà máy để dựa vào các ưu thế tương tự CSM. Điển hình là Công ty Bridgestone Việt Nam, có nhà máy sản xuất lốp radial toàn thép sẽ đi vào hoạt động vào năm 2014 ở Hải Phòng. Mặc dù Bridgestone Việt Nam cho biết, sẽ xuất khẩu 100% sản phẩm lốp radial toàn thép, nhưng cũng đã có kế hoạch phục vụ thị trường Việt Nam trong thời gian ngắn nhất.
Theo ông Motoki Nagasawa, về căn bản lốp xe được chia thành hai phân khúc, lốp mới theo xe và lốp xe thay thế. Những nhà sản xuất nội địa có khá nhiều ưu thế trong thị trường lốp xe thay thế. Họ luôn tập trung vào phân khúc lốp tầm trung và tầm thấp với giá cạnh tranh đặc biệt, đơn cử như lốp dành cho xe taxi. Trong khi đó phân khúc xe đòi hỏi lốp chất lượng cao thì các thương hiệu nước ngoài như: Bridgestone, Michelin, Goodyear, Dunlop, Hankook, Kumho… hiện đang thống trị thị trường.
Dự kiến, trong tương lai Kumho Việt Nam sẽ nâng gấp đôi công suất sản xuất lốp ôtô lên 6,3 triệu lốp/năm. Điều này cho thấy, trong tương lai thị trường lốp xe nội địa sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn. CSM đang đứng trước tình thế khó khăn khi vẫn đặt mục tiêu có nhà máy radial toàn thép với 70% sản lượng dành để phục vụ thị trường trong nước.