Hải Châu
Người đương thời, nổi danh nổi tiếng
Con người ta ai cũng có một thời oanh liệt, một thời nổi danh được người khác trân trọng ngưỡng mộ và nhiều người mong muốn được gặp gỡ, làm quen, kết thân… Với các vị lãnh đạo còn đương chức, hay những “ngôi sao”, “đại gia”, nhiều người mong muốn được gặp một lần, được dành cho một cái bắt tay hoặc được chụp chung một tấm ảnh. Tuy nhiên chúng ta đều biết mỗi người một công việc và ai cũng bận rộn vì công việc, vì sự nghiệp của mình. Làm lãnh đạo thì có áp lực của lãnh đạo, làm kinh doanh thì có sức ép của cạnh tranh thị trường, bận rộn đến nỗi lắm lúc không có thời gian trả lời điện thoại, tin nhắn của người thân, bạn bè và đồng nghiệp.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (bên phải) tại quê nhà, tỉnh Bình Dương
Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển và trong nền kinh tế thị trường mọi thứ đều bị chi phối bởi quy luật cạnh tranh. Ai cũng mong muốn mình có vai trò, địa vị quan trọng trong xã hội, thậm chí không ít người kém năng lực hoặc không đủ tầm, không nỗ lực phấn đấu vươn lên nhưng vẫn muốn trở thành nhà lãnh đạo, trở thành người giàu có để được mọi người nể nang, trân trọng. Tất nhiên đó là điều con người có quyền mơ ước, có quyền khát khao. Vấn đề là chúng ta phải biết mình là ai, năng lực thế nào và sẽ làm gì, phấn đấu ra sao để đạt được mục đích mong muốn nhằm giúp ích cho gia đình, cho cộng đồng và xã hội. Ngược lại, hiện nay cũng không ít người có điều kiện thuận lợi, có quyền lực trong tay và có khả năng làm được nhiều việc ích quốc lợi dân nhưng họ không tích cực phát huy vai trò của mình để đóng góp cho xã hội, cho đất nước mà chỉ muốn “vinh thân, phì gia”, chỉ vun vén cho lợi ích cá nhân hoặc gia đình, từ đó gây nhiều trở ngại cho công việc và ảnh hưởng tiêu cực đến bộ máy, hệ thống hoạt động, đặc biệt là thành phần có “dây mơ rễ má” với các cấp lãnh đạo như người ta gọi là “con ông Sáu, cháu ông Tư”, được “cài cắm” vào những cơ quan, đơn vị quan trọng thường có tâm lý cậy quyền, ỷ thế, gây cản trở công việc chung và nhiều hệ lụy khác.
Khung cảnh lũ quét tang thương ở Mù Cang Chải
Hiện nay, tình hình thế giới không mấy êm ả, nhiều biến cố chính trị lẫn kinh tế, ngoại giao xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Mọi thứ đều do con người gây ra và chính tham vọng của con người là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Với năng lực và điều kiện của mình, chúng ta phải đồng lòng chung sức xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, để đến lúc “về vườn” có cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản như tâm trạng của cụ Nguyễn Công Trứ - một đại thần triều Nguyễn, sau khi cáo lão: “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”…
“Về vườn” đâu phải là “chấm hết”
Sau bao năm tháng làm việc, cống hiến, cũng như đương đầu đối phó với sóng gió cuộc đời, đến lúc tuổi cao sức yếu hoặc không còn sự tín nhiệm thì người ta lại lui về nghỉ ngơi an nhàn, thoát ra cái vòng xoáy danh lợi. “Về vườn” để vui thú cuộc sống thảnh thơi, tự do, an nhiên tự tại. Đến lúc này, người ta mới có thời gian để ngẫm lại và thấu hiểu, tự hào về những gì mà mình đã tạo dựng, gieo trồng trong quá khứ. Với một số quan chức sau khi về hưu, thôi công tác, không còn quyền hành, tiếng nói của họ không còn “có trọng lượng” như trước, bạn bè đồng nghiệp cũng ít quan tâm thăm hỏi. Thỉnh thoảng mới có người điện thoại hỏi han. Và có lúc họ tự hỏi lòng sao lúc mình còn có chức quyền, thế lực lại không làm được nhiều việc ích quốc lợi dân, không quan tâm giúp đỡ người khác nhiều hơn, để bây giờ cảm thấy bùi ngùi hối tiếc, buồn bực tủi thân? Có người suy nghĩ bi quan tiêu cực dẫn đến phát sinh bệnh tật và ra đi sớm!
Tuy nhiên, thực tế cho thấy cũng không ít người quyền cao chức trọng sau khi “về vườn” vẫn nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động xã hội, nhiều phong trào cộng đồng hoặc làm chuyên gia tư vấn cho một số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, tùy thuộc vào năng lực chuyên môn cũng như sức khỏe. Họ được người thân trong gia đình tạo điều kiện và động viên khuyến khích để thấy mình vẫn còn hữu dụng. Có nhiều vị lãnh đạo cấp cao sau khi thôi công tác trở về quê vui thú với công việc làm vườn, trồng cây ăn trái và thường xuyên được nhiều anh em, bạn bè, đồng nghiệp đến thăm. Cũng có trường hợp một số lãnh đạo sau khi “về vườn” ít xuất hiện trước công chúng cũng như ít tham gia các hoạt động xã hội nên dần dần lu mờ tên tuổi…
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (thứ 4 từ trái qua) tại quê hương Đồng Khởi, tỉnh Bến Tre
Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy các tổng thống Mỹ như Bill Clinton sau khi mãn nhiệm vẫn tham gia các chương trình, sự kiện của nhiều tập đoàn, công ty lớn của nước Mỹ và từ năm 2001-2014 ông thu nhập hơn 100 triệu USD chỉ nhờ diễn thuyết. Ông Jimmy Carter - Tổng thống Mỹ đời thứ 39 cũng được đánh giá là chính khách tài năng, nổi tiếng. Sau khi rời khỏi Nhà Trắng, ông đã để lại dấu ấn với Trung tâm Carter – ngân sách mỗi năm khoảng 113 triệu USD và xuất bản hơn 20 cuốn sách; đồng thời tích cực đóng góp cải thiện quan hệ chính trị, thúc đẩy hoà bình ở các nước Trung Đông. Ông Jimmy Carter là cựu tổng thống đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton
Trong xã hội hiện nay không ít người làm được rất nhiều việc có ích cho gia đình và xã hội. Có người không những đóng góp cho quê hương đất nước mình và còn dang rộng vòng tay hỗ trợ chia sẻ các nước khác trên thế giới như tỷ phú Bill Gates - người đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft, đã cùng vợ lập ra quỹ Bill và Melinda Gates đã dành hơn 28 tỷ USD tức là hơn 1/3 tổng giá trị tài sản 79,4 tỷ USD để làm từ thiện. Bill Gates là người giàu nhất nước Mỹ và cũng là người giàu nhất thế giới trong nhiều năm. Đây là điều không phải ai cũng có thể làm được. Bởi trong xã hội không ai giống ai từ năng lực đến cách sống. Những người biết sống và hy sinh đóng góp cho xã hội thật đáng nể phục và tôn vinh.
Bill Gates - người đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft
Ở Việt Nam cũng như nhìn rộng ra các nước khác, chuyện “về vườn” không thể đánh đồng ai cũng như ai. Có người “về vườn” nhưng vẫn tích cực dấn thân, đóng góp cho xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp bằng cách này hay cách khác trong khả năng của mình và điều kiện cho phép. Họ sống không thẹn với lòng, không uổng phí một đời người, nêu gương sáng cho con cháu đời sau học hỏi noi theo và trở thành niềm tự hào của gia đình, họ tộc. Ngược lại, “về vườn” mà đứng bên lề cuộc sống, dửng dưng trước mọi chuyện, chẳng quan tâm đến ai, chia sẻ với ai, chỉ biết đến mình và buông xuôi tiêu cực sẽ để lại nỗi tủi hổ lâu dài cho gia đình và con cháu, như ông bà xưa vẫn thường nói: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”./.