Nếu muốn xây dựng và phát triển một nền kinh tế tri thức thì nâng cao hiệu quả của pháp luật về SHTT
để thúc đẩy hoạt động sáng tạo,đáp ứng nhu cầu đối với sản phẩm mới và sáng tạo là điều cần thiết.
Ảnh: UYÊN VIỄN
Đợi đến năm 2017 mới xây dựng chiến lược này là một sự chậm trễ lớn so với các quốc gia khác trên thế giới. Chưa nói đến các nước công nghiệp phát triển, trong vấn đề này, Việt Nam thậm chí còn chậm hơn cả nước láng giềng Campuchia (năm 2016 nước này đã xây dựng xong chiến lược quốc gia về SHTT), còn Trung Quốc đã xây dựng chiến lược này cách đây cả... chục năm.
Ở Việt Nam, chúng ta đang chứng kiến hiện tượng luật thì không thiếu, nhưng các vụ vi phạm SHTT xảy ra như... cơm bữa. Ví dụ, đầu tháng 7 này, Câu lạc bộ Sách Sài Gòn đã đệ đơn lên Hội Xuất bản Việt Nam chi nhánh phía Nam để phản ảnh về tình trạng vi phạm SHTT của Công ty Yeah1 Network - công ty ngang nhiên sản xuất sách nói (từ sách in) mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền của số sách này.
Hiện nay, ở Việt Nam tồn tại hai luồng tư tưởng đối với vấn đề SHTT: một phía cho rằng Việt Nam chưa đủ phát triển để áp dụng một chế độ bảo vệ SHTT nghiêm khắc và hiệu quả, phía kia thì cho rằng quyền SHTT là quyền cá nhân hợp pháp của chủ sở hữu mà chúng ta có nghĩa vụ phải đặc biệt tôn trọng.
Trong bối cảnh này, hãy nhìn lại kinh nghiệm xây dựng chiến lược của các nước trên thế giới trong lĩnh vực bảo vệ quyền SHTT để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
“Thực dụng” như... Đức, Mỹ
Không như nhiều người tưởng, rất nhiều nước phát triển trên thế giới - những nước giàu có nhất và hiện giờ đang có mức bảo vệ đặc biệt cao các quyền SHTT - đã từng áp dụng một chính sách đặc biệt “thực dụng” trong lĩnh vực này. Điều đó có nghĩa là các nước này quyết định mức độ bảo vệ quyền SHTT dựa trên mức độ phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước. Cụ thể là thay vì công nhận và áp dụng một khung bảo vệ chặt chẽ và nghiêm ngặt quyền SHTT ngay từ đầu, nhiều nước chọn mức độ bảo vệ thấp khi chưa đạt được độ phát triển cao, và chỉ khi đạt đến trình độ phát triển cao mới áp dụng mức độ bảo vệ cao, đặc biệt đối với các tài sản SHTT của các tác giả nước ngoài.
Thay vì công nhận và áp dụng một khung bảo vệ chặt chẽ và nghiêm ngặt quyền SHTT ngay từ đầu, nhiều nước chọn mức độ bảo vệ thấp khi chưa đạt được độ phát triển cao, và chỉ khi đạt đến trình độ phát triển cao mới áp dụng mức độ bảo vệ cao, đặc biệt đối với các tài sản SHTT của các tác giả nước ngoài.
Để minh họa cho điều này, tôi xin lấy ví dụ nước Đức, trong số nhiều nước phát triển đã áp dụng chiến lược này. Theo nhà lịch sử kinh tế Đức Eckhard Hofner, cho dù đạo luật đầu tiên của Đức về bảo vệ luật bản quyền được thông qua năm 1837 (thời thuộc vương quốc Phổ), việc áp dụng luật này đặc biệt khó khăn do đất nước chia nhỏ thành nhiều bang. Trong thời gian này, có nghĩa là vào khoảng thế kỷ 19, nước Đức có sự phát triển mạnh về mặt tri thức. Thật kinh ngạc, nhưng sự thực là “khoảng 14.000 tác phẩm đã được xuất bản vào năm 1836, và có vô số các vụ in sách lậu và vay mượn tác phẩm trong thời gian này, nhưng chả ai sợ bị xử lý cả. Chính điều này đã giúp phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật một cách rộng rãi trong đất nước”. Nghiên cứu của ông Eckhard Hofner chứng minh rằng sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Đức vào thế kỷ 19 có mối liên hệ chặt chẽ với sự bảo vệ lỏng lẻo quyền SHTT.
Chúng ta biết rằng nước Mỹ đang áp dụng một chính sách bảo vệ quyền SHTT cực kỳ nghiêm ngặt, và luôn gây áp lực tới các nước khác để nâng cao việc bảo vệ quyền SHTT của các tác giả người Mỹ ở nước ngoài. Những nước nào không đảm bảo được việc bảo vệ các tác giả, nhà sáng chế Mỹ hay nhãn hiệu của các công ty Mỹ sẽ bị nằm trong tầm ngắm cảnh cáo của Chính phủ Mỹ và sẽ gặp không ít rắc rối với siêu cường này. Tuy nhiên, ít ai biết rằng vào thế kỷ 18, 19, khi nước Mỹ còn kém phát triển, các nhà kinh doanh sách ở Mỹ kiếm bộn tiền nhờ in lậu sách của các tác giả châu Âu. Sau độc lập, Mỹ đặc biệt cần một số lượng lớn kiến thức kỹ thuật và văn hóa, vì thế cố tình thả lỏng việc bảo vệ quyền của các tác giả và nhà sáng chế châu Âu, trong khi luật liên bang về bản quyền đã ra đời từ năm 1790. Cho dù các tác giả nước ngoài, trong đó có Charles Dicken, đòi hỏi một mức bảo vệ cao hơn, Quốc hội Mỹ cố tình bỏ ngoài tai những đòi hỏi này. Khi trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, công nghệ hàng đầu thế giới thì Mỹ lại đặc biệt thúc đẩy quan điểm cho rằng bảo vệ mạnh mẽ quyền SHTT mới thúc đẩy sự sáng tạo, và phát triển.
Các nước đi sau... học hỏi như thế nào?
Vì thế, nhiều nước đang phát triển muốn đi con đường mà nước Mỹ, Đức đã đi, có nghĩa là chỉ bảo vệ tốt quyền SHTT khi có đủ điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa. Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran và Ấn Độ là các ví dụ tiêu biểu. Các quốc gia này đều đi theo các bước sau trong việc bảo vệ quyền SHTT.
Bước thứ nhất là trong giai đoạn muốn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới trong khi chỉ có nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ, các nước này tập trung vào tăng trưởng nhờ hàng xuất khẩu. Do tính sáng tạo trong hàng xuất khẩu không cao, nên nhà nước ít quan tâm đến nghiên cứu và sáng tạo, do đó không quan tâm đến việc áp dụng hiệu quả luật SHTT. Khoảng 50 năm trước, Nhật Bản và Hàn Quốc ở trong giai đoạn này.
Nhưng khi đã bắt đầu phát triển hơn, họ tập trung đưa thêm giá trị vào hàng hóa - bằng cách sáng tạo hơn và tiếp thị tốt hơn hàng hóa sản xuất trong nước. Đây chính là giai đoạn hai. Trong giai đoạn này, việc vi phạm các quyền SHTT trở nên đặc biệt phổ biến, vì các công ty trong nước sao chép lại các mẫu mã, nhãn hiệu nước ngoài. Giai đoạn này các công ty non trẻ cũng bắt đầu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Giai đoạn ba đặc trưng bởi việc các công ty trong nước bắt đầu bị các công ty nước ngoài gây khó dễ khi vi phạm quyền SHTT. Hiện tượng này dẫn đến giai đoạn bốn, khi các công ty buộc phải đầu tư vào sáng tạo và có nhu cầu bảo vệ quyền SHTT. Lúc này, vào giai đoạn năm, các chính phủ sẽ quan tâm đến việc áp dụng hiệu quả và nghiêm ngặt hơn hẳn luật SHTT, để áp ứng nhu cầu các công ty trong nước.
Có thể nói, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nước tiêu biểu đã đi theo con đường này. Hiện nay, Trung Quốc ngày càng giữ vị trí cao hơn trên thế giới như nước xuất khẩu hàng công nghệ cao. Chính phủ Trung Quốc cũng nâng cao hiệu quả áp dụng luật SHTT cho phù hợp hơn với mức phát triển mới. Từ một nước nổi tiếng thế giới về văn hóa sao chép, về tệ “ăn cắp tài sản trí tuệ”, đã từng bị kiện nhiều lần trong khuôn khổ WTO vì vấn đề luật SHTT, từng nằm trong “danh sách đen” các nước Mỹ đặc biệt cảnh cáo vì vi phạm quyền SHTT Mỹ, giờ đây Trung Quốc đang từng bước siết chặt việc bảo vệ các tài sản trí tuệ. Một mặt, điều này đáp ứng nhu cầu của nhiều công ty nội địa, mặt khác, đây là một trong những điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư chất lượng cao vào Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, tất nhiên, sẽ có rất nhiều khó khăn để xây dựng một chiến lược SHTT có lợi cho Việt Nam mà vẫn dung hòa được các yêu cầu khác nhau. Từ trước đến giờ, Việt Nam vẫn áp dụng một cơ chế pháp lý bảo vệ quyền SHTT nhưng có những ngoại lệ rộng dành riêng cho học tập, nghiên cứu khoa học, nhằm đáp ứng nhu cầu kiến thức, thông tin. Về mặt thực tiễn, luật SHTT quốc tế chưa được bảo vệ hữu hiệu ở Việt Nam, các vụ vi phạm lớn nhỏ đang diễn ra hàng ngày. Số lượng các vụ đưa ra tòa và đòi được đền bù do thiệt hại còn thấp.
Trước mắt, rất khó có thể áp dụng chiến lược bảo vệ ở mức độ thấp các quyền SHTT, do Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO và cam kết đảm bảo việc bảo vệ ở mức độ WTO. Hơn nữa, sự yếu kém của Việt Nam trong vấn đề này là yếu tố gây e ngại cho nhiều nhà đầu tư vào các ngành công nghệ sáng tạo. Tuy nhiên, cũng khó có thể nói Việt Nam có đầy đủ điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa để đáp ứng cho một mức bảo vệ nghiêm ngặt và hiệu quả.
Về dài hạn, nếu như Việt Nam muốn xây dựng và phát triển một nền kinh tế tri thức thì nâng cao hiệu quả của pháp luật về SHTT để thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đáp ứng nhu cầu đối với sản phẩm mới và sáng tạo là điều cần thiết. Tất nhiên, trong bất cứ chiến lược nào cũng sẽ có những người được lợi và người bị thiệt, nhưng thiết nghĩ, Việt Nam khó có lựa chọn nào khác trong bối cảnh này.