Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho giới Công thương ngày 13-10-1945 có đoạn viết: “… Hiện nay Công thương Cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới công thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nếu kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 72 năm trước, đến nay vẫn nguyên vẹn tính thời sự, cả về lý luận và thực tiễn. Các doanh nhân, cán bộ và đồng bào, các ngành các giới đều biết, chỉ mới hơn một tháng sau ngày thiết lập chế độ mới, chính quyền mới – sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ trọng trách của giới công thương - đội ngũ doanh nhân là: “Phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”, coi đó là bổn phận, nghĩa vụ của các nhà doanh nghiệp.
Sau này, trong nhiều dịp khác, Người nhấn mạnh lực lượng doanh nhân là cột trụ của nền kinh tế và tài chính một quốc gia, dù đó là ở Nga, ở Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam hay bất cứ nơi nào. Bổn phận của doanh nhân là lãnh đạo, điều hành sự nghiệp kinh doanh, sản xuất và hoạt dộng dịch vụ phát triển - ích nước lợi nhà, tùy theo ngành nghề làm ăn mà mình lựa chọn, được pháp luật bảo hộ. Doanh nhân - doanh nghiệp làm ra của cải cho xã hội, đáp ứng những lợi ích mà xã hội, cộng đồng, cuộc sống con người cần. Xã hội, thị trường đòi hỏi sản phẩm, dịch vụ gì, doanh nhân có trách nhiệm và nghĩa vụ đáp ứng sản phẩm, dịch vụ đó, theo những tiêu chí mà xã hội, cộng đồng cần. Và chính nhờ vậy mà doanh nhân - doanh nghiệp thu về lợi nhuận để tiếp tục tái tạo sức lao động, phát triển sản xuất nuôi sống và làm giàu cho minh, đóng góp cho xã hội, điều mà Karl Marx đã chứng minh, khẳng định trong bộ sách kinh điển Tư bản luận. Doanh nhân không chỉ sản xuất giỏi, làm tròn nghĩa vụ đối với đất nước, với nhân dân mà còn tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội hiệu quả, đóng góp hàng ngàn tỉ đồng cho quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Tấm lòng vàng” hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công. Những chuyến hàng đến đúng lúc, cứu trợ đồng bào vùng lũ, vùng bị thiên tai thật giàu ý nghĩa và nghĩa tình tương thân tương ái.
Mối quan hệ giữa doanh nhân - doanh nghiệp và nền kinh tế - tài chính quốc gia là mối quan hệ biện chứng, tương hỗ, quyền lợi đi đôi với trách nhiệm, nghĩa vụ. Doanh nghiệp - doanh nhân làm ăn phát đạt, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước, chủ yếu thông qua công cụ đóng thuế, tự thân nó tạo tiềm năng, sức mạnh to lớn cho kinh tế - tài chính đất nước. Người ta nói “Dân giàu (bao gồm doanh nghiệp) thì nước mạnh” là vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhất quán trong nhận thức và hành động: Bổn phận của giới công thương là làm ra nhiều của cải, tăng cường các hoạt động dịch vụ phục vụ dân chúng, cộng đồng, xã hội. Cũng như một quốc gia cường thịnh, bởi các doanh nghiệp, giới công thương phát đạt, giàu có, lợi nhuận cao.
Trong thư gửi giới Công thương ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò, trách nhiệm của “Chính phủ, của nhân dân và tôi (Chủ tịch Hồ Chí Minh)” là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho giới công thương - doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, làm ăn tiến tới. Người viết, nguyên văn: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới công thương trong công cuộc kiến thiết này…”. Sự tận tâm mà Người nêu ở đây là Chính phủ, chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, tháo gỡ mọi khó khăn, bao gồm cả việc hỗ trợ vay vốn, phương tiện, kết nối làm ăn, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm; trong các trường hợp cần thiết, Chính phủ có chính sách ưu đãi về thuế, cơ chế, khuyến khích phát triển sản xuất.
***
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các bộ ngành đã thực thi nhiều chương trình hành động “cởi trói” cho doanh nghiệp, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, phá bỏ các rào cản, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, khu vực doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, Đảng và Chính phủ có nhiều chính sách ưu tiên, tạo những điều kiện thuận lợi nhất, đặc biệt là cơ chế, chính sách, cải tiến mạnh mẽ thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục phiền hà, nhiêu khê, để doanh nghiệp thông thoáng trong làm ăn, dễ dàng trong giao thương trong và ngoài nước. Đảng và Nhà nước khẳng định: Kinh tế tư nhân là bộ phận hữu cơ, là động lực - bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước.
Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, toàn xã hội tôn vinh và biểu dương, tri ân những đóng góp to lớn của giới doanh nhân đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của nền kinh tế đất nước. Xin dâng tặng những bó hoa tươi thắm nhất đến giới công thương – đội ngũ doanh nhân nước nhà./.
Lê Hà