banner-sapuwa
banner-quang-cao-2

Năm 2023, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% là khả thi

Ngày đăng 08/01/2023 01:19:20

Ngày 4/1/2023, tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo 2023”. Phát biểu tại hội thảo nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2023 mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% do Quốc hội đề ra là khả thi.

PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo

Năm 2022 Việt Nam đạt mục tiêu kép về GDP và CPI

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Việt, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, kinh tế thế giới năm 2022 đã diễn ra với nhiều sự kiện bất ngờ. Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã khiến cho giá các loại hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt là giá dầu thô, giá khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng, giá phân bón đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu. Ở nhiều nước phương Tây lạm phát đã tăng lên mức trên/dưới 10%, cao nhất trong khoảng 30 - 40 năm trở lại đây.

Để kiềm chế lạm phát, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất với tần suất và tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ thập niên 1980. Đồng USD cũng đã tăng giá tới 20% trong 9 tháng đầu năm 2022, khiến tình hình lạm phát trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã kịp thời ban hành nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ, cũng như kiểm soát giá cả nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng. Kết quả, năm 2022 Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép: GDP năm 2022 ước tăng 8,02% so với năm 2021, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; lạm phát bình quân năm 2022 chỉ ở mức 3,15%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% được Quốc Hội giao. Ngoài ra, đồng Việt Nam cũng được coi là đồng tiền có tính ổn định cao trên thế giới trong năm qua.

Mặc dù vậy, thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn còn rất lớn. Tình hình lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất tại các nước phát triển được dự báo sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ít nhất trong tương lai gần. Trong khi đó, xác suất xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ và châu Âu. 

“Việc Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero Covid cùng các rủi ro liên quan đến xung đột quân sự Nga - Ukraine có thể tạo áp lực đối với giá năng lượng, lương thực, thực phẩm và nguyên vật liệu trên thế giới trong thời gian tới. Tất cả những nguy cơ nói trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng, giá cả và thị trường tại Việt Nam trong năm 2023” - PGS.TS Nguyễn Vũ Việt nhận định.

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó trưởng Phòng Chính sách tổng hợp,Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phát biểu tại hội thảo

Thông tin tại hội thảo từ góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Xuân Định, Phó trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, bối cảnh kinh tế - xã hội năm 2022 đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Để chủ động ứng phó với áp lực lạm phát gia tăng, trong năm 2022, công tác quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định từ đầu năm đến nay như giá bán lẻ điện bình quân, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công. Đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm giá cả tương đối ổn định do sản xuất tăng trưởng khá cao, nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Vẫn nhiều áp lực lạm phát trong năm 2023

Thảo luận tại hội thảo, dự báo về tình hình thị trường, giá cả năm 2023, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% do Quốc hội đề ra là khả thi. Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) về tổng thể, có thể nhận định áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn. Có một số lý do thứ nhất, trước áp lực lạm phát cơ bản gia tăng bền vững từ giữa năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa sau năm 2022. Thứ hai, áp lực về tỷ giá cũng đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022. Thứ ba, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ tại các nước phát triển.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính,(Học viện Tài chính) phát biểu tại hội thảo

Do đó TS. Nguyễn Đức Độ nhận định, trong thời gian tới lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022, cũng như nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Áp lực lạm phát trong năm 2023 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như giá điện. Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, hay thậm chí dưới 4%, là hoàn toàn khả thi.

Đồng quan điểm, PGS,TS. Nguyễn Bá Minh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, nhìn vào số liệu CPI bình quân năm trong 5 năm (2018 - 2022) thì thấy CPI biến động không nhiều và có su hướng đi ngang. Vì vậy,  CPI  bình quân năm 2023 so với năm 2022 nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức 3,2- 3,5% dưới chỉ tiêu Quốc Hội đề ra là hoàn toàn khả thi.

Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, dự báo trong năm 2023 nếu tình hình kinh tế - xã hội của thế giới vẫn diễn biến phức tạp, lạm phát vẫn cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao, kinh tế thế giới trì trệ hay suy thoái, tăng trưởng chậm, thương mại quốc tế giảm sút, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,2% - 6,7% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3% - 3,7%.    

Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đề xuất, cần thực hiện tốt một số biện pháp. Theo đó cần tiếp tục giữ vững ổn định giá trị VNĐ, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.

Toàn cảnh hội thảo

Theo ông Nguyễn Xuân Định, thách thức đặt ra cho công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 là rất lớn trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều biến động khó lường. Do đó, cần tập trung vào một số biện pháp như theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp. Đối với các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung. Đối với các mặt hàng cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.

Thu Trang

Theo: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/tttc/pages_r/l/chi-tiet-tin-tin-tuc-tai-chinh?dDocName=MOFUCM261772
Ngày đăng 08/01/2023 01:19:20
1 views
Các tin khác
«   12345  »
Trang chủDanh bạ doanh nghiệpSở hữu trí tuệVăn bản pháp lýChương trình thương hiệuThông tin doanh nghiệp