Kinh tế cá thể ở nước ta có rất lâu rồi, từ thời phong kiến xưa kia. Còn kinh tế tư nhân thì xuất hiện sau đó, sau xa, so với kinh tế cá thể. Ở thế giới cũng vậy, kinh tế tư nhân xuất hiện sau và lớn mạnh nhanh chóng gắn liền với thời kỳ phát triển mạnh của kinh tế thị trường và sự ra đời của chủ nghĩa tư bản (CNTB). Chỉ sau một thời gian không dài, khoảng vài thế kỷ, nhưng CNTB với vai trò hàng đầu của kinh tế tư nhân, đã tạo ra một lượng của cải vật chất “khổng lồ”, bằng tổng số của cải mà loài người đã tạo ra suốt mấy ngàn năm trước đó.
Ở nước ta trước đây, kể cả ở miền Bắc trước năm 1975 và cả nước sau 1975, trong một thời gian khá dài, vai trò của kinh tế tư nhân gần như không được thừa nhận. Lúc đó, nhiều người đã coi kinh tế tư nhân như là một “tàn dư” của chế độ cũ. Người khác thì cho rằng nó là tạm thời, là quá độ, là “sách lược”, không lâu dài, không đại diện cho một tương lai. Nhận thức ấy là rất sai lầm. Và không riêng ở nước ta. Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu trước đây cũng vậy. Đương nhiên việc này có nguồn gốc và nguyên nhân của nó.
Kinh tế nước ta trước và sau những năm 1975
Trước đây người ta đã nghĩ rằng, sở hữu tư nhân là nguồn gốc sản sinh ra CNTB. Kinh tế tư nhân gắn liền với CNTB, thuộc về CNTB. Còn chủ nghĩa xã hội (CNXH) thì phải khác, phải ngược lại. Sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân không có vai trò gì đáng kể trong CNXH. Công hữu mới là con đường đi đến và là đặc trưng cốt lõi của CNXH. Đúng là K. Marx đã có lúc nhấn mạnh “công hữu” trong xã hội tương lai (xã hội chủ nghĩa). Ông và F. Engels nói điều ấy vào thời kỳ viết Tuyên ngôn cộng sản. Nhưng đó là lúc K. Marx và F. Engels còn rất trẻ, chưa đến 30 tuổi, hăng hái và đầy nhiệt huyết. Sau này, tiếp tục nghiên cứu quá trình phát triển trên thực tế của các nước tư bản, khi đã chín muồi về tư duy, thì K. Marx đã có những ý kiến mới, ý kiến khác. Khi thấy kinh tế cổ phần xuất hiện, ông cho rằng con đường “đây rồi”- để đến xã hội tương lai. Theo tôi hiểu, K. Marx đã nhận định kinh tế cổ phần mới là con đường đi đến CNXH. Đó là sự điều chỉnh đúng và rất quan trọng trong tư duy của ông. Rất tiếc là các tài liệu nghiên cứu sau đó không nói rõ vấn đề này mà luôn nhấn mạnh “công hữu”, từ đó, nhấn mạnh đến kinh tế nhà nước. Kinh tế tư nhân phát triển dần lên, đến khi “vượt qua” chính mình thì xuất hiện kinh tế cổ phần, và đồng thời với nó là sở hữu xã hội ra đời. Kinh tế cổ phần và sở hữu xã hội chẳng những không đối lập, không loại bỏ kinh tế tư nhân và sở hữu tư nhân, mà ngược lại còn xuất hiện, chỉ có thể xuất hiện thực chất, đúng nghĩa trên cơ sở của sự phát triển ở trình độ cao của kinh tế tư nhân và sở hữu tư nhân. Nói cách khác, kinh tế tư nhân và sở hữu tư nhân, do quy luật phát triển “tự nhiên” của chính nó, đã tự biến đổi dần, hiện đại lên, thành kinh tế cổ phần và sở hữu xã hội. Sự ra đời của kinh tế cổ phần hoàn toàn không phải là sự kết thúc của kinh tế tư nhân, mà là một sự tiếp tục, sự phát triển “nhảy vọt”, về chất. Trong kinh tế cổ phần, vai trò của các tư nhân không bị đánh mất, sở hữu tư nhân đối với phần vốn của mình không bị tước đoạt, nó tồn tại lâu dài mãi, và có thể ngày càng tăng thêm lên nếu như hoạt động kinh tế có hiệu quả tốt. F. Engels có lần đã nói muốn viết lại, muốn sửa đổi một số vấn đề trong Tuyên ngôn cộng sản đã viết, nhưng không làm được vì tài liệu ấy đã mang tính chất lịch sử, chỉ còn cách là phải có bổ sung và điều chỉnh.
Hiện nay, tại nhiều nước phát triển, phần vốn cổ phần huy động từ xã hội đã chiếm khoảng 80% so với tổng số vốn đầu tư phát triển. Còn phần vốn tư bản tư nhân chỉ còn khoảng 20%. Với tỷ lệ ấy, sở hữu xã hội đã trở thành phổ biến. Chính điều này đã góp phần quan trọng nhất để CNTB không còn là nó như vốn có trước kia, mà trở thành CNTB hiện đại ngày nay – khác rất nhiều về chất so với CNTB thời K. Marx sống và viết Tư bản luận. Nói cách khác, CNTB dần dần không còn là CNTB nữa, mà chính nó đã tiến gần đến CNXH. Trong khi đó, tại Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây, cũng như ở Việt Nam và Trung Quốc, kinh tế (doanh nghiệp) nhà nước rất kém hiệu quả, phần lớn đã thua lỗ kéo dài, lãi thì chia nhau, lỗ thì nhà nước gánh chịu, nợ nần chồng chất, tham nhũng nhiều, mất tiền, mất cán bộ và mất lòng tin. Khác hẳn kinh tế nhà nước, trong nội bộ kinh tế tư nhân, vấn đề tham nhũng sẽ bị triệt tiêu. Kinh tế nhà nước nhìn chung kém xa so với kinh tế tư nhân về mặt hiệu quả. Thực tế đó cho thấy, không thể tiến lên CNXH bằng việc tạo ra chế độ công hữu về tư liệu sản xuất theo ý muốn chủ quan, cùng với việc lập ra nhiều doanh nghiệp nhà nước các loại để trực tiếp quản lý các nguồn tài nguyên và hoạt động với cơ chế ưu tiên hơn các thành phần kinh tế khác. Mà CNXH chỉ có thể là kết quả tất yếu của một nền kinh tế thị trường, tư nhân phát triển rất cao, đến mức vượt qua giới hạn của chính mình để trở thành kinh tế cổ phần và sở hữu xã hội, cộng với một nền văn hóa giàu tính nhân văn và một nền chính trị thật sự dân chủ.
Kinh tế nhà nước
Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam khi nói về đặc trưng của CNXH, đã điều chỉnh từ chỗ nhấn mạnh vai trò của “công hữu” về tư liệu sản xuất (trước đó) sang quan hệ sản xuất “tiến bộ phù hợp”. Nói quan hệ sản xuất “tiến bộ phù hợp” thì không sai, nhưng vẫn còn rất trừu tượng, chưa đủ rõ và không ít khó khăn trong chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, việc không nói đến “công hữu” trong đặc trưng của CNXH là một bước tiến đáng kể trong đổi mới tư duy.
Đến Đại hội XII, tiếp tục phát triển tư duy theo hướng tiến bộ, khẳng định kinh tế tư nhân có vai trò “quan trọng” trong xây dựng và phát triển đất nước. Nói kinh tế tư nhân có vai trò “quan trọng” là vừa phải, xét theo tư duy chính trị, nhưng cũng là chưa đủ, xét theo tư duy kinh tế. Tôi nghĩ còn có thể nhấn mạnh rằng, kinh tế tư nhân phát triển một cách mạnh mẽ và lành mạnh sẽ là con đường chính, con đường chủ yếu để tiến tới CNXH.
Chắc mới nghe qua nhiều người sẽ cảm thấy như “ngược đời” hoặc cho là có sự “nhầm lẫn” nào đó. Nhưng không đâu. Tôi đã suy nghĩ như vậy và nói đúng theo suy nghĩ của mình. Vì rằng, kinh tế tư nhân đem lại hiệu quả lớn hơn nhiều (so với kinh tế nhà nước) xét trên nhiều phương diện. Mà trong kinh tế thì có quy luật rằng: Khi đạt hiệu quả cao mới có thể tái sản xuất mở rộng nhiều, tức là mới có thể phát triển mạnh mẽ. Mặt khác, kinh tế thị trường sẽ phát triển mạnh nhất khi nó gắn với kinh tế tư nhân. Mà kinh tế thị trường trong CNXH chỉ có thể là sự tiếp nối kinh tế thị trường trong CNTB, chứ không thể nảy sinh từ “duy ý chí”. CNXH nhất thiết phải là kết quả của một sự phát triển cao và bền vững về kinh tế, và từ đó, tạo điều kiện tác động tới (và tác động trở lại) để có một nền văn hóa giàu tính nhân văn. Phát triển mới là con đường đúng nhất đi đến CNXH. Giáo điều và duy ý chí không thể đến được CNXH thực chất, thậm chí sẽ ngày càng chệch hướng. Các nước Bắc Âu đã tiến đến gần nhất với CNXH, họ đã chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi sự tác động tư tưởng của quốc tế XHCN mà trước đây Liên Xô và phe XHCN đã từng nhiều lần lên án và ghép vào “chủ nghĩa xét lại”, trong khi đó, mô hình mà Liên Xô và các nước Đông Âu lựa chọn thì đã thất bại và sụp đổ trên thực tế. Việt Nam, Trung Quốc và Cuba thì còn quá xa để có thể tới được CNXH, thậm chí nếu không đổi mới một cách căn bản thì (rất khó hoặc) không bao giờ đến được CNXH.
Chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng đắn, thuộc về tư duy đổi mới. Trong cổ phần hóa có hai yêu cầu chính yếu: Thứ nhất, phải hướng đến một năng suất và hiệu quả cao hơn. Thứ hai, tạo ra sở hữu xã hội. Chính yêu cầu thứ hai là sự phân biệt giữa cổ phần hóa và tư nhân hóa. Nếu nhân danh “cổ phần hóa” để rồi thực hiện tư nhân hóa mà gây thiệt hại cho nhà nước và làm lợi cho một số cá nhân trong “nhóm lợi ích” thì quả là sai lầm lớn. Nói vậy không phải xuất phát từ định kiến với tư nhân hóa. Nhưng cái gì nó phải ra cái ấy, cần minh bạch rõ ràng. Nhà nước có thể bán doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân, vẫn tốt, không sao cả. Đó là tư nhân hóa. Còn cổ phần hóa thì phải đúng là cổ phần hóa.
Nền kinh tế Việt Nam trên đà phát triển theo định hướng XHCN
Doanh nghiệp nhà nước nào nên cổ phần hóa và doanh nghiệp nhà nước nào nên tư nhân hóa là một bài toán mà lời giải của nó phải xuất phát từ các cơ sở khách quan, khoa học, gắn với tư duy đúng về quản trị doanh nghiệp và nhất là mục tiêu phát triển và hiệu quả, chứ không phải là suy nghĩ chủ quan, càng không phải “lợi ích nhóm”. Để có thể xác định đúng đắn phân loại này, cần có thảo luận tại một số tọa đàm khoa học./.
TS. VNH
Ngày 30 -12.2016