Trở lại thăm đất nước Chùa Tháp, đi trên những con đường rộng rãi, phẳng lì, anh Đỗ Trọng Khiêm kể lại cho chúng tôi nghe tình cảnh giao thông nước bạn sau khi thoát khỏi chế độ diệt chủng. Lúc ấy, anh làm chuyên gia Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ Bộ Giao thông Campuchia. Đoàn cựu chuyên gia chúng tôi sang thăm theo lời mời của Chính phủ bạn có năm mươi người, đều là cán bộ cao cấp của các ngành, các địa phương nhưng rất ít người biết chuyên gia Đỗ Trọng Khiêm trẻ trung, năng động, lắm sáng kiến ngày ấy bây giờ đã là một doanh nhân tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới đất nước ta. Trong nước cũng ít người biết doanh nhân Đỗ Trọng Khiêm là người góp công to lớn đưa vào và phát triển ở Việt Nam mô hình vận tải thứ sáu sau các mô hình vận tải đường bộ, đường sông, đường biển, đường sắt, đường hàng không - mô hình vận tải bằng hệ thống cáp treo.
Doanh nhân Đỗ Trọng Khiêm
20 năm trước, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Bùi Văn Sướng sau các chuyến đi làm việc ở nước ngoài về, nêu ý tưởng cần đưa các hệ thống vận tải cabin trên cáp treo vào nước ta, trước hết là vào chùa Hương ở tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Lúc đó anh Đỗ Trọng Khiêm đang là Giám đốc một công ty vận tải ô tô của Bộ Giao thông vận tải. Nhớ lại những lần theo mẹ đi chùa Hương, leo từ bến thuyền suối Giải Oan lên động Hương Tích mất cả ngày trời, hàng chục vạn người đi lại vất vả, có người không đủ sức đi đến điểm linh thiêng nhất của “Nam thiên đệ nhất động”, anh nung nấu ý định thực hiện ý tưởng của đồng chí Thứ trưởng. Anh hình dung ra các việc cần làm, khó khăn cần vượt qua là vốn, thiết bị, người vận hành, mặc cảm của những người đang kinh doanh các dịch vụ ở chùa Hương. Về vốn, anh biết chắc không thể lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, chỉ có thể huy động vốn của tư nhân theo hình thức cổ đông. Thiết bị cáp treo thì trong nước chưa đâu làm, nhưng bên châu Âu đã phát triển mạnh, có tiền là mua được. Còn người vận hành thì phải đi học. Hỏi ý kiến của lãnh đạo Bộ, của bạn bè, đồng nghiệp, nhiều người ủng hộ anh. Thế là đang làm giám đốc doanh nghiệp nhà nước quyền lực lớn, thu nhập cao, anh xin nghỉ việc sang lập một doanh nghiệp kinh doanh một ngành nghề trong nước chưa ai làm. Anh muốn đưa một mô hình vận tải mới giúp du khách có điều kiện di chuyển nhanh, tham quan phong cảnh trên độ cao nhất định và tận hưởng cảm giác kỳ thú khi được di chuyển bằng phương tiện hàng không tĩnh lặng vào chùa Hương.
Du khách vào cabin cáp treo chùa Hương
Ý tưởng được xây dựng thành phương án kinh tế - kỹ thuật cụ thể, tỉ mỉ được trình lên các cấp có thẩm quyền. Ngày 8-5-1997, UBND tỉnh Hà Tây ra Thông báo số 20-TB/UB, ngày 10-6-1997, Bộ Giao thông vận tải ra Thông báo số 197/VP, cho phép đầu tư xây dựng công trình cáp treo trong đi tích chùa Hương. Anh Khiêm nói vui với tôi: “Thế là chúng tôi đã leo lên lưng hổ rồi, không thể xuống được nữa”. Anh cùng đồng chí, đồng nghiệp của mình đi huy động vốn. Có uy tín khi làm chuyên gia, khi làm giám đốc doanh nghiệp nhà nước, anh được anh em, bạn bè tin tưởng góp vốn. Vừa đi vận động góp vốn anh vừa đi tới các nước ở châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… - những nước đã sử dụng hệ thống cáp treo để học hỏi. Đủ vốn, anh dẫn đoàn cán bộ của doanh nghiệp sang Cộng hòa Áo đàm phán với Hãng Doppelmayr, hãng sản xuất hệ thống cáp treo lâu đời và chiếm thị phần lớn nhất trên thế giới, để nghiên cứu và đặt mua hệ thống cáp treo.
Bảo hành kỹ thuật cabin trong hệ thống cap treo chùa Hương
Chùa Hương ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, đền thờ thần, các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp như suối Giải Oan, chùa Thiên Trù, động Hình Bồng, Long Vân, động Hương Tích... Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này là chùa Hương nằm trong động Hương Tích. Quần thể thắng cảnh chùa Hương đã trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, khi xuân về, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương, hành trình về miền đất Phật để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật. Lễ hội chùa Hương là lễ hội đông nhất, kéo dài nhất ở nước ta, bắt đầu từ tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch.
Cáp treo chùa Hương (Hà Nội)
Muốn xây dựng cáp treo từ sau chùa Thiên Trù lên động Hương Tích với hệ thống cột, nhà ga, cabin chở người, công ty của anh Đỗ Trọng Khiêm phải đặt trên một tuyến thẳng có tổng chiều dài 1.218m. Chùa Hương là vùng núi, xa đô thị, muốn vào khu di tích phải đi qua một con suối dài hơn 4km, công việc vận chuyển hơn 10 vạn mét khối vật liệu xây dựng, 270 tấn thiết bị đồng bộ đi qua vùng đầm lầy là vô cùng gian nan. Lúc mới bắt tay vào làm, những chủ đò, người phục vụ khác lo cáp treo cướp mất công ăn việc làm nên có những lời nói, hành động phản đối gây khó khăn cho việc thi công. Vậy là anh Đỗ Trọng Khiêm cùng anh em phải làm thêm việc công tác tư tưởng, giải thích cho mọi đối tượng hiểu về mô hình vận tải cáp treo và giá trị tăng thêm công ăn việc làm khi nó đi vào hoạt động.
Du khách vào ga cáp treo chùa Hương
* * *
Vượt qua bao khó khăn, đến cuối năm 2005, hệ thống cáp treo chùa Hương hình thành với 7 cột, 3 nhà ga: Thiên Trù, Giải Oan, Hương Tích, 45 cabin Ômega III của Thụy Sĩ, mỗi cabin chuyên chở 6 hành khách có hệ thống kẹp cáp, đóng mở cửa tự động, chuyên chở tối đa 6 hành khách, công suất vận chuyển của hệ thống đạt 1.500 hành khách/giờ, tốc độ di chuyển trung bình của cabin là 5m/s, vận hành an toàn trong mọi điều kiện thời tiết với sức gió dưới cấp 6.
Mùa lễ hội, chùa Hương đông nghịt du khách
Tháng 01-2006, Công ty cổ phần Vận tải và du lịch Hương Sơn (HUTRANCO) làm lễ khánh thành hệ thống cáp treo chùa Hương. Ngày đầu đi cáp treo, nhiều người còn bỡ ngỡ. Những ngày sau quen dần, du khách mới phát hiện ra sự kỳ thú của nó. Thay vì phải 4-5 giờ leo núi, bây giờ từ Thiên Trù lên động Hương Tích chỉ mất 4-5 phút, lại được ngồi trên cao ngắm nhìn núi non, sông suối một vùng đất trù phú màu xanh, đặc biệt vào mùa xuân lễ hội cũng là lúc hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn. Theo thời gian, số người đi cáp treo ngày càng tăng. Những năm đầu chở trung bình 1.100 người/giờ thì những mùa lễ hội gần đây, công suất 1.500 người/giờ của hệ thống không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Công ty phải bảo đảm kỹ thuật để đưa công suất vận hành của hệ thống lên 1.760 người/giờ; cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên phục vụ phải làm thêm thời gian. Doanh thu theo đó cũng tăng đáng kể.
Vất vả, nhưng như anh Đỗ Trọng Khiêm nói:
- Chúng tôi rất vui vì đã tiết kiệm được tối đa sức lực cho du khách, giúp du khách thưởng ngoạn đầy đủ những nét đẹp của vùng thắng cảnh, góp phần làm cho tâm linh người đi thoải mái, yên lành.
Du khách vào hành lễ trong động Hương Tích
Tôi được biết năm 2015, doanh thu thuần của HUTRANCO đạt 63,78 tỷ đồng và lãi sau thuế 35 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận lên tới 54%. Điều này có nghĩa làm 10 đồng, HUTRANCO lãi tới hơn 5 đồng và đây thực sự là mức lợi nhuận mơ ước của nhiều doanh nghiệp.
Hơn 10 năm cáp treo chùa Hương đi vào hoạt động, hỏi anh Đỗ Trọng Khiêm cái được lớn nhất là gì, anh trả lời:
- Thứ nhất là thực hiện được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đưa văn minh công nghiệp đến vùng sâu, vùng xa. Rồi giải quyết được việc làm cho lao động tại chỗ. Có cáp treo, số người vãn cảnh chùa Hương ngày càng tăng, theo đó các dịch vụ cũng phải tăng. Trước đây số thuyền chở khách qua suối Yến có 3.000 chiếc thì hiện nay trong mùa lễ hội phải lên đến gần 5.000 chiếc. Nữa là chúng tôi nộp ngân sách cho địa phương năm sau cao hơn năm trước, luôn đúng thời gian và đem lại lợi ích thiết thực cho các cổ đông, cho người lao động trực tiếp và gián tiếp làm cho Công ty.
Với thành quả đạt được từ cáp treo chùa Hương, HUTRANCO vươn tầm kinh doanh của mình vào miền Trung và miền Nam.
Ở Kiên Giang, Công ty đầu tư vào khu du lịch Mũi Nai. Kể từ ngày Mạc Thiên Tích ca ngợi trong tập thơ “Hà Tiên thập vịnh” vào năm 1736, sau hơn 300 năm lịch sử, Mũi Nai là một trong số “Hà Tiên thập cảnh” hiếm hoi còn tồn tại đến ngày nay và trở thành khu du lịch Mũi Nai hấp dẫn du khách gần xa. Với vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có, Mũi Nai được xây dựng thành khu du lịch hiện đại, thu hút nhiều khách đến tham quan, tắm biển, vui chơi giải trí, hay tổ chức các hoạt động teambuilding..., trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng đất Hà Tiên. Ở đây, năm 2008 bắt đầu đầu tư xây dựng, đến năm 2009 HUTRANCO đưa vào vận hành, kinh doanh hệ thống xe trượt ống nhập đồng bộ từ Đức với tổng chiều dài 1.205m, trong đó đường kéo lên đỉnh núi Tà Pang dài 320m, đường đi xuống 885m, độ cao chênh lệch giữa ga lên và ga xuống là 125m... tạo nhiều cảm giác phấn khích cho du khách. Trên đỉnh núi Tà Pang có lầu vọng cảnh được xây dựng ở độ cao 128m so với mặt biển, gồm 3 tầng: tầng 1 và 2 phục vụ cà phê, nước giải khát và thức ăn nhẹ, tầng 3 có trang bị hệ thống kính viễn vọng nhìn xa đến 40km, là điểm lý tưởng cho du khách ngắm toàn cảnh khu du lịch Mũi Nai và Hà Tiên từ trên cao.
Tại Hà Tĩnh, HUTRANCO sáng lập Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hồng Lĩnh (HIDT) xây dựng tuyến cabin cáp treo ở chùa Hương Tích, huyện Can Lộc. Tương truyền dãy Hồng Lĩnh có 99 ngọn núi, động Hương Tích đẹp nhất, cao nhất thường có mây mù bao phủ. Theo thần tích, chân núi Hồng Lĩnh là trụ sở đầu tiên của bộ tộc Lạc Việt, sau chuyển ra Việt Trì lập đô thành Hùng Vương. Đạo Phật Ấn Độ truyền sang qua vùng đất này, chùa Hương Tích trên đỉnh Hồng Lĩnh là trung tâm đạo Phật sớm ở nước ta. Các tên đất, tên làng như Hương Tích, Thứ Lĩnh, Linh Cảm, Hương Sơn, Hương Khê… đều là tên Phật hoặc có nghĩa là hướng về Phật. Quần thể di tích chùa Hương Tích gồm hai toà chùa ngoài và trong, am Thánh Mẫu, đền Thiên Vương (đền thờ Hồng Sơn Đại Vương) và lên cao hơn nữa có đền Trang Vương. Hằng năm, Hội chùa Hương Tích được tổ chức vào ngày 18-2 âm lịch, ngày Diệu Thiện hoá Phật. Hội chùa Hương Tích thu hút khách thập phương trong Nam ngoài Bắc về hội đông đúc, nhưng cứ 3 năm mới có hội chính một lần, kéo dài suốt hàng tháng. Dọc đường từ chân núi đến cửa chùa, lều quán san sát, người đi dự hội tấp nập, ban đêm đèn đuốc sáng rực một vùng.
Hệ thống cáp treo của HIDT xuất phát từ bên trái đền thờ Miếu Cô lên đến chùa Hương Tích, dài 900m qua 2 ga Miếu Cô và Hương Tích, khung vỏ bằng chất liệu hợp kim nhôm, đều có bộ phận giảm chắn, giảm xóc và chống lắc ngang. Mỗi cabin có sức chứa 8 người. Thời gian một lượt đi từ ga Miếu Cô đến Hương Tích là 4 phút. Mùa lễ hội năm 2012, tuyến cáp treo chùa Hương Tích đã đi vào hoạt động.
Ngày nay do cáp treo đã có ở nhiều khu du lịch nổi tiếng: Bà Nà, Yên Tử, Đà Lạt, núi Bà Đen Tây Ninh, núi Tà Cú Bình Thuận, Vũng Tàu, Tây Thiên - Tam Đảo Vĩnh Phúc, Fansipan Lào Cai…, trong đó có những hệ thống rất độc đáo, lập kỷ lục thế giới. Cáp treo Bà Nà đạt 2 kỷ lục Guinness thế giới: tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62m) và có độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (1.291,81m). Với hệ thống cáp treo vượt biển dài 3.320m, cáp treo Vinpearl Land Khánh Hòa hiện là cáp treo vượt biển dài nhất thế giới. Hệ thống cáp treo Fansipan Sa Pa đạt hai kỷ lục: cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410m), cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6.292,5m)…
* * *
Trên một đất nước nhiều vùng rừng núi, sông biển, chênh lệch độ cao lớn, đường đi lại hiểm trở, khoảng cách các đảo không xa như nước ta, trong tương lai, vận chuyển bằng mô hình cáp treo sẽ còn phát triển. Cho dù phát triển đến đâu thì giới kinh doanh cáp treo ở Việt Nam vẫn coi doanh nhân Đỗ Trọng Khiêm là người đi đầu mở đường. 30 năm kinh doanh vận tải đường bộ, 20 năm kinh doanh vận tải cáp treo, trong đầu doanh nhân Đỗ Trọng Khiêm là một kho tàng tri thức khổng lồ về kỹ thuật và kinh nghiệm kinh doanh trên hai lĩnh vực này. Hiện nay dù đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng anh vẫn làm việc hằng ngày không ngừng, không nghỉ để chỉ đạo hoạt động của Công ty và đi học hỏi, truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh cáp treo cho đồng chí, đồng nghiệp, nhất là cho lớp trẻ./.
Lê Liên