Trong chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế của Cao Bằng, lĩnh vực khai khoáng được tỉnh xác định là lợi thế để phát triển với tiêu chí khai thác phải gắn với chế biến sâu, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tiết kiệm bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm. Dự án dây chuyền của Nhà máy luyện gang Cao Sơn Hà ra đời và đi vào hoạt động đã đáp ứng được các yêu cầu đó. Với sản phẩm sản xuất chính là gang, công suất thiết kế lò cao của nhà máy là 50 m3, được áp dụng sản xuất theo công nghệ tiên tiến. Trong quá trình sản xuất ngoài sản phẩm chính là gang, lò còn thu hồi được đồng thời sản phẩm phụ là xỉ giàu mangan (mangan xi giàu), Mangan xi giàu phục vụ cho nhà máy của Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang để luyện Fero mangan và cung cấp cho một số nhà máy luyện Fero mangan trong nước như nhà máy Tân Nguyên - Hải Dương.
Không những thế, ưu điểm lò luyện gang của nhà máy là sử dụng nguyên liệu quặng sắt (hàm lượng Fe từ 50% - 60%) được các đơn vị trong cùng tập đoàn cung cấp. Ngoài ra, còn sử dụng được nguyên liệu là quặng sắt nghèo có lẫn mangan (hàm lượng Fe trong quặng trung bình từ 35%- 40%, hàm lượng Mn trung bình từ 15%- 18%) mua tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn và quặng mangan nghèo (hàm lượng mangan từ 21%- 25%) được mua tại tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái. Việc sử dụng quặng nghèo của công ty đã nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên, giải quyết vấn đề chế biến sâu đối với các loại quặng nghèo mà các lò luyện khác chưa thể làm được. Bởi về nguyên tắc, hàm lượng Fe+Mn trong quặng nguyên liệu phải #50% thì mới thu hồi được xỉ mangan cùng với sản phẩm chính là gang. Nếu hàm lượng Fe cao, Mn thấp thì tỷ lệ thu hồi sản phẩm xỉ mangan sẽ nhỏ đi và ngược lại.
Thực tế việc đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản suất đã cho hiệu quả, không chỉ tận thu tối đa nguồn nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh mà còn giảm thiểu đến mức tối đa khí thải không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các sản phẩm sản xuất ra đã đảm bảo được các yêu cầu chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và phục vụ cho các ngành luyện kim trong nước. Hiện các sản phẩm của nhà máy sản xuất ra đã có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước, tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 200 lao đông, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng, trong đó có khoảng 80% là lao động tại địa phương.
Khi dây chuyền của nhà máy đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm sẽ đóng góp một ngân sách đáng kể cho nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay nhà máy đang gặp phải khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào do công ty chưa được cấp mỏ nguyên liệu. Trong khi các mỏ nguyên liệu của các đơn vị khác trong cùng tập đoàn đã hết hạn khai thác nhưng chưa được gia hạn nên nhà máy đã phải mua toàn bộ quặng từ bên ngoài, nhiều khi không chủ động được nguồn nguyên liệu, thường xuyên phải dừng lò ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Bởi vậy, để chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, phát huy hết công suất lò, nâng cao hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ để công ty sớm được cấp mỏ khai thác nguyên liệu cho nhà máy chế biến, cũng là nhằm góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công ty Cổ phần Phú Sơn, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang (TG GROUP), hiện đang được giao làm chủ đầu tư của hai dự án sản xuất gang là: Nhà máy luyện gang Cao Sơn Hà (xã Ngũ Lão, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) và Nhà máy luyện gang 30-4 (xã Chu Trinh, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Sản phẩm chính là gang với công suất thiết kế của lò cao nhà máy Cao Sơn Hà là 50 m3 và nhà máy 30-4 là 60 m3. Tổng sản lượng của 2 nhà máy là 105.600 tấn gang/năm. |