Điều này đã được minh chứng qua việc nỗ lực tìm kiếm nhà cung cấp tại cuộc Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản 2013 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Được đánh giá là một trong những doanh nghiệp sản xuất ô tô nỗ lực và có đóng góp nhiều nhất cho tiến trình gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam, TMV liên tục đẩy mạnh việc tìm kiếm các đối tác, doanh nghiệp cung cấp phụ tùng để thực hiện kế hoạch gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất lắp ráp ô tô, góp phần giảm giá bán xe trong nước cũng như thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Tham gia “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản 2013” vừa được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 9 vừa qua, với mục đích tìm kiếm đối tác cung cấp phụ tùng, TMV đã góp mặt với một gian trưng bày một số phụ tùng linh kiện lắp ráp ô tôliên quan đến hàn dập, đúc, các sản phẩm nhựa, và các chi tiết cao su…mà TMV mong muốn được nội địa hóa cùng với các nhà cung cấp trong nước có tiềm năng.
Thực tế cho thấy, các nước như Thái Lan, Indonesia có quy mô thị trường lớn, từ 1-2 triệu xe/năm nên có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa dễ dàng. Với Việt Nam, quy mô thị trường chỉ trên dưới 100.000 xe/năm nên việc phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung và tăng tỷ lệ nội địa hóa là điều không hề đơn giản với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, trong đó có TMV, Ông Daisuke Bando – Giám đốc Ban Hoạch định chiến lược của TMV chia sẻ. Với thị trường ô tô có quy mô nhỏ như Việt Nam, hầu như ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triên, nên TMV đã phải rất cố gắng trong chiến lược gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của mình. TMV đã tự tiến hành đầu tư song song :đó là đầu tư nâng cao sản lượng lắp ráp xe, đồng thời đầu tư cho sản xuất phụ tùng ngay tại nhà máy của mình.
Bên cạnh việc tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa, TMV cũng đã thành công trong việc mời gọi một số nhà cung cấp nằm trong nhóm các nhà cung cấp của Tập đoàn Toyota Nhật Bản vào Việt Nam đầu tư sản xuất kinh doanh, như Denso, Toyota Boshoku, Toyoda Gosei, …Bằng việc đưa xưởng dập, xưởng khu gầm xe và trung tâm nội địa hóa đi vào vào đồng, cũng như không ngừng tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung cấp trong nước, TMV là nhà sản xuất ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất tùy thuộc vào từng mẫu xe. Hiện TMV vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để sản xuất thêm nhiều chủng loại chi tiết phụ tùng ngay tại nhà máy; đến nay tổng số linh kiện đã nội địa hóa của TMV cho tất cả các dòng xe đã lên tới 253 linh kiên, được cung cấp bởi 18 nhà cung cấp phụ tùng. TMV cũng đề xuất các chính sách nhằm duy trì sự phát triển ổn định của thị trường và các giải pháp nhằm duy trì sản xuất và từng bước phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Phân tích kỹ hơn, ông Daisuke Bando cho rằng: Mục đích của nội địa hóa là nhằm giảm giá thành, và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Vì vậy, nếu như chúng ta không mở rộng được quy mô thị trường thì không thể gia tăng nội địa hóa. Với TMV, chúng tôi luôn mong muốn tìm kiếm thêm các nhà cung cấp để tăng nội đia hóa nhằm giảm chi phí giá thành cũng như tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như không có những chính sách của Chính phủ nhằm tăng quy mô thị trường một cách ổn định để từ đó, các doanh nghiệp có thể đưa ra các kế hoạch đầu tư cụ thể, và dài hạn tại Việt Nam”. - ông Bando khẳng định.