* Xin ông cho biết trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp bền vững, xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam thì người nông dân và Hội Nông dân Việt Nam có vai trò như thế nào?
+ Ông Lại Xuân Môn: Muốn xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, có nhiều thương hiệu mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi phải phát huy vai trò của Nhà nước trong kiến tạo các cơ chế, chính sách; vai trò của doanh nghiệp trong tạo lập mô hình chuỗi giá trị mà người nông dân được tham gia với tư cách là đối tác bình đẳng, có tư cách đàm phán và được hưởng lợi xứng đáng đối với giá trị gia tăng mang lại. Đồng thời phát huy vai trò của nhà khoa học để hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng các thành tựu khoa học mới vào nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn; vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã nhằm tạo sức mạnh liên kết giữa các hộ gia đình để ứng phó với những bất lợi của cơ chế thị trường; vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, trực tiếp là Hội Nông dân Việt Nam, làm “bà đỡ” cho nông dân phát triển bền vững, chống chịu tốt hơn với các rủi ro, khó khăn, thách thức, mà cao hơn là làm chủ chính mình, làm chủ các mối quan hệ phức tạp trong nền kinh tế thị trường. Để bảo đảm vai trò chủ thể của người nông dân trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…, Hội Nông dân Việt Nam đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò tập hợp, đoàn kết nông dân trong vai trò nòng cốt – lực lượng chủ đạo xây dựng đời sống nông thôn mới. Người nông dân phát huy vai trò chủ thể, không chỉ cần đến nguồn lực tài chính, nguồn lực tổ chức, nguồn lực trí tuệ mà sâu xa là cả lương tâm, trách nhiệm, tình cảm đối với người nông dân.
* Ông nhìn nhận thế nào về tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam hiện nay, thưa ông?
+ Ông Lại Xuân Môn: Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nông dân Việt Nam đã có những đóng góp cực kỳ to lớn về sức người, sức của trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Đặc biệt, trong 30 năm đổi mới (từ 1986-2016), nông dân Việt Nam đã lập được kỳ tích trong sản xuất lương thực, thực phẩm, đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lúa gạo nhiều nhất thế giới.
Vì thế, tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp Việt Nam còn rất lớn, tùy thuộc vào đổi mới cơ chế, chính sách, phát huy các nguồn lực, trong đó trọng tâm là phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp bao gồm cơ cấu lại chính sách đất đai theo hướng thúc đẩy tích tụ và tập trung đúng hướng. Cơ cấu lại hình thức sản xuất từ hộ gia đình tiểu nông manh mún sang liên kết kinh tế, trong đó phổ biến là phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp. Cơ cấu lại nguồn lực đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp dưới các hình thức đối tác công tư, liên doanh, liên kết. Cơ cấu lại các định chế trung gian đảm bảo nâng cao hiệu quả ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng mô hình phát triển trang trại thông minh. Cơ cấu lại hoạt động bảo quản, chế biến, đăng ký xuất xứ hàng hóa, tổ chức mạng lưới phân phối đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản. Cơ cấu lại nguồn nhân lực thích ứng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng.
Doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao
* Như vậy, Hội Nông dân Việt Nam đã cụ thể hóa các quan điểm, định hướng nói trên như thế nào?
+ Ông Lại Xuân Môn: Để triển khai các định hướng, quan điểm nói trên, mấy năm gần đây Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các doanh nghiệp lớn, các viện nghiên cứu cây trồng, vật nuôi, các ngân hàng, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội… tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học và thực tiễn về vai trò của người nông dân và Hội Nông dân Việt Nam; hội thảo về tín dụng, vay vốn để phát triển sản xuất trên cơ sở quán triệt quan điểm: Người nông dân là chủ thể hành động, chủ thể sáng tạo. Hội Nông dân Việt Nam cũng đã chỉ đạo cụ thể, xây dựng thành công các mô hình sản xuất như: mô hình 61, mô hình 673 (theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ). Muốn sản xuất lớn phải xây dựng mô hình để tổ chức lại sản xuất, tăng hàm lượng trí tuệ, chất xám trong từng sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng mô hình không chỉ để nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh trên thị trường mà quan trọng hơn là tập hợp nông dân đi theo Đảng, gắn bó với chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, thông qua đó để xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh. Hội sẽ gắn bó với nghề nghiệp, với sản xuất của người nông dân.
Vì sao nhiều năm nay, sản phẩm nông nghiệp của chúng ta chưa có nhiều thương hiệu? Phải chăng vì sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam kém chất lượng? Chúng ta có nhiều nông sản tốt như: cam Cao Phong, vải thiều, bưởi Đoan Hùng, Phúc Trạch, nho Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận, tôm cá Đồng bằng sông Cửu Long… Nhưng chúng ta chưa bán được nhiều các sản phẩm đó cả ở thị trường trong và ngoài nước. Lý do là việc tuyên truyền, quảng bá và đặc biệt là chỉ dẫn địa lý các sản phẩm này làm chưa tốt. Muốn sản xuất lớn, sản xuất tập trung đương nhiên là phải tích tụ ruộng đất. Nhưng tích tụ ruộng đất lại cũng phải do người nông dân làm chủ. Nếu không tích tụ đúng hướng thì nguồn lợi đất đai, tài nguyên của đất nước sẽ rơi vào một số doanh nghiệp, chủ đầu cơ…
Mô hình sản xuất chuyên canh tại TP. Cần Thơ
Để có một nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, xanh sạch, đa dạng sản phẩm, có thương hiệu nổi tiếng thì điều cực kỳ quan trọng là người nông dân phải có vốn sản xuất, có nguồn nhân lực dồi dào, thông minh, sáng tạo. Sau hơn 10 năm xây dựng, Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân Việt Nam từ nguồn vốn ban đầu chỉ có 40 tỷ đồng nay đã lên tới 2.500 tỷ đồng. Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam và các Trung tâm dạy nghề của các tỉnh, thành Hội đã chuyển hướng sang đào tạo trực tiếp nông dân. Trong đó, vừa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sản xuất nông nghiệp vừa bồi dưỡng kiến thức pháp luật.
Bảo vệ, đầu tư, tư vấn giữ vai trò “trụ đỡ” cho người nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, chống lại áp lực, mặt trái rủi ro của cơ chế thị trường là nhiệm vụ thường xuyên, chủ trương nhất quán của Hội Nông dân Việt Nam.
Trên đây là một số quan điểm và nhiệm vụ quan trọng của Hội Nông dân Việt Nam nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nhân dịp đầu năm mới Đinh Dậu 2017, thay mặt giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, tôi xin gửi tới tập thể cán bộ, phóng viên cũng như quý bạn đọc Tạp chí Thương hiệu Việt lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn.
Cam Cao Phong
* Xin chân thành cảm ơn ông về những nội dung đã chia sẻ. Và cũng xin kính chúc ông một năm mới dồi dào sức khỏe, gặt hái được nhiều thắng lợi mới trên cương vị người đứng đầu Hội Nông dân Việt Nam./.
LÊ HỮU QUẾ - ĐÔNG NGHI
(thực hiện)