banner-sapuwa
banner-quang-cao-2

Phát triển mỏ - những bước đi mạnh bạo của PVEP

Ngày đăng 21/05/2014 07:00:00

Nhiều mỏ chủ lực đang trong giai đoạn suy giảm; thiết bị của mỏ mới đưa vào khai thác chưa ổn định đã tác động lên việc thực hiện kế hoạch sản lượng của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Vì thế, việc phát triển mỏ và sớm đưa các mỏ dầu khí mới vào khai thác nhằm đạt mục tiêu gia tăng trữ lượng, bảo đảm an ninh năng lượng trở nên hết sức cấp thiết đối với PVEP.

Gia tăng sản lượng trong nước

Hiện PVEP đang tiến hành khai thác hàng loạt mỏ, nhưng có thể khẳng định, đưa vào khai thác khu vực phía Nam mỏ Đại Hùng (phát triển mỏ giai đoạn 2) và nâng sản lượng khai thác lên đáng kể từ khoảng 3000 thùng/ngày lên khoảng 14.000 thùng/ngày là một bước đột phá quan trọng, không những đưa sản lượng khai thác dầu từ đầu dự án tới năm 2013 là khoảng 43 triệu thùng mà còn đưa tổng doanh thu của dự án (tính đến 2013) lên tới 1.726 triệu USD. 

Công ty điều hành chung Cửu Long - CLJOC đang khai thác dầu tại 3 mỏ (Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Đen Northeast) với số giếng khai thác là 45 giếng cũng là điểm sáng. Sản lượng dầu khai thác trung bình hiện nay của các mỏ ở khu vực này vào khoảng 37.500 thùng dầu/ngày (phần PVEP 50% tương ứng 18.750 thùng/ngày. Qua tính toán, trữ lượng dầu ở đây có phần sụt giảm và Cửu Long CLJOC đã nhanh chóng tận thu, đưa dòng khí với sản lượng trung bình từ 55 đến 60 triệu bộ khối khí/ngày vào đất liền.

Đặc biệt, mỏ Tê Giác Trắng tại lô 16-1, từ một dự án đang trên bờ vực phá sản đã trở thành một trong những dự án cứu cánh trọng điểm. Đến nay, PVEP/Hoàng Long-Hoàn Vũ JOC đã khai thác thương mại vượt tiến độ với sản lượng từ 40.000 đến 50.000 thùng dầu/ngày, đứng vị trí thứ hai về sản lượng khai thác tại Việt Nam (sau Bạch Hổ). Ngoài thành công về mặt thương mại, dự án cũng khẳng định sự hợp tác kinh tế thành công của các đối tác Mỹ (OPECO), Vương quốc Anh (SOCO), Vương quốc Thái Lan (PTTEP) và Việt Nam (PVEP-PVN) trong thăm dò khai thác dầu khí tại khu vực thềm lục địa Việt Nam. Dự án cũng gắn kết nhiệm vụ kinh tế với quốc phòng, phối hợp với Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân Việt Nam đưa vào sử dụng nhiều tàu bảo vệ mỏ Tê Giác Trắng, góp phần giữ vững và khẳng định chủ quyền biển, đảo và an ninh kinh tế. Bên cạnh đó, bằng việc áp dụng sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, tận dụng hệ thống công nghệ khai thác sẵn có của mỏ Tê Giác Trắng để kết nối với các mỏ Hải Sư Trắng, Hải Sư Đen lân cận đã tiết kiệm chi phí đầu tư thiết bị khai thác và chi phí vận hành các mỏ này cho Nhà nước Việt Nam và các nhà đầu tư hàng trăm triệu USD.

Tích cực tìm kiếm ở nước ngoài

Ông Lê Văn Trương, nguyên Phó tổng giám đốc PVEP, một trong những cán bộ đầu tiên tham gia tiếp xúc tài liệu và đấu thầu dự án Dự án lô 433a & 416b An-giê-ri - dự án đầu tiên của PVEP ở nước ngoài, nhớ lại: “Năm 2002, chúng tôi đã đấu thầu sòng phẳng, thành công và một năm sau Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí lô 433a & 416b vùng Touggourt, nước Cộng hòa An-giê-ri được ký kết giữa PVEP và Công ty Dầu khí Quốc gia Algeria (SONATRACH) chính thức có hiệu lực. Việc triển khai hợp đồng này của PVEP thời điểm ấy gặp nhiều khó khăn, nhất là lần đầu tiên thực hiện vai trò của nhà điều hành tại một nước Hồi giáo xa xôi, trên sa mạc Xa-ha-ra khí hậu rất khắc nghiệt và không ít hiểm nguy do các hoạt động khủng bố, bắt cóc con tin bởi các nhóm phiến quân tổ chức. Song, vượt qua những thiếu thốn và bỡ ngỡ ban đầu, việc phát hiện dầu khí bước đầu khẳng định thành công của dự án”. Được biết, dự án đã hoàn thành các công việc của giai đoạn thăm dò thẩm lượng, phát hiện thương mại tại 2 mỏ dầu BRS và MOM đem lại trữ lượng thu hồi khoảng 186,19 triệu thùng dầu. Kế hoạch phát triển mỏ (FDR) đã được nước chủ nhà phê duyệt, dự án đã bước vào giai đoạn phát triển mỏ và dự kiến đến cuối năm 2014 sẽ chính thức cho dòng dầu đầu tiên.

Từ những bước đi chập chững ban đầu đó, đến nay, PVEP đã và đang tham gia điều hành và quản lý 20 dự án dầu khí tại 15 quốc gia ở các khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi, Nga và các nước thuộc Liên Xô (trước đây), Mỹ La-tinh. PVEP hiện đã có trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí từ nước ngoài tại các mỏ Cendor/lô PM 304, Ma-lai-xi-a, mỏ D30/lô SK305, Ma-lai-xi-a. Trong năm 2013, PVEP đã đưa mỏ Cendor mở rộng (giai đoạn 2) vào khai thác và tiếp tục thực hiện công tác phát triển để sớm đưa mỏ West Desaru (Giai đoạn 3) của lô PM 304 vào khai thác trong thời gian tới.

Mới đây, PVEP đã đón dòng dầu sớm từ dự án trọng điểm mỏ Junin 2, Vê-nê-xu-ê-la. Trước đó, các mỏ Dorado và Pirana lô 67, Pê-ru đã cho dòng dầu thương mại đầu tiên vào những ngày cuối năm 2013.

Với những cố gắng vượt bậc kể trên, đến nay, PVEP đã hoàn thành chỉ tiêu gia tăng trữ lượng dầu ở trong nước, vượt kế hoạch gia tăng trữ lượng dầu ở nước ngoài.

Theo: Theo qdnd.vn
Ngày đăng 21/05/2014 07:00:00
1 views
Các tin khác
«   12345  »
Trang chủDanh bạ doanh nghiệpSở hữu trí tuệVăn bản pháp lýChương trình thương hiệuThông tin doanh nghiệp