banner-sapuwa
banner-quang-cao-2

Sức sống đôi câu đối : "Thân ngã xuống thành đất đai tổ quốc - Hồn bay lên hoá linh khí quốc gia"

Ngày đăng 13/10/2017 10:35:55

LÊ NGUYÊN LONG
( Đài Truyền hình Việt Nam )

1.Tôi và Trần Thế Tuyển cùng trang lứa, lại cùng quê Nam Định, cùng làm báo tại TP.Hồ Chí Minh ( tôi làm ở Truyền hình Việt Nam, anh làm ở báo Quân đội Nhân dân và sau này làm Tổng biên tập Báo Sài gòn Giải phóng ) ; nên anh em rất thân thiết với nhau, tri âm tri kỷ, cả trong công việc lẫn cuộc sống riêng tư.

Mỗi lần có tác phẩm mới là Trần Thế Tuyển lại gửi cho tôi để chia sẻ. Tôi thích cả thơ và những bài ký, tuỳ bút của anh. Mỗi bài là một câu chuyện về cuộc đời người lính, về những năm tháng hào hùng của cuộc chiến, được anh ghi lại bằng những cảm xúc vẹn nguyên của một người đã đi qua chiến tranh.

Một ngày lang thang trên mạng , tôi bắt gặp hai câu thơ:

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia.

Câu thơ hớp hồn tôi ngay tức khắc.

Cuộc trường chinh giải phóng đất nước, giành độc lập tự do cho dân tộc đã có hàng triệu con người hy sinh, trong số đó hàng vạn người đến nay chưa tìm được hài cốt. Họ nằm lại nơi rừng thiêng núi thẳm trong lòng Đất Mẹ.

Thế hệ chúng tôi, chẳng có nhiệm vụ nào thiêng liêng hơn nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hàng vạn sinh viên , học sinh lớp lớp lên đường. Tất cả đi vào cuộc chiến nhẹ tênh, không một chút so đo, tính toán . Có mấy ai đi mà hẹn ngày về ! Biết bao nhiêu đồng đội tôi đã nằm lại mãi mãi nơi những chiến trường khốc liệt. Biết bao hoài bão, ước mơ mãi mãi không thành !

Gặp Trần Thế Tuyển, tôi bảo mình tâm đắc lắm với hai câu thơ Thân gã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia.

Khi viết ra hai câu thơ này , Trần Thế Tuyển có nghĩ rằng đây không chỉ là hai câu thơ mà là hai vế đối hoàn chỉnh nói lên nỗi lòng chất chứa đau thương nhưng cũng rất đỗi tự hào không ?

Trần Thế Tuyển trả lời, mình có người em trai là Trần Văn Thiềng, hy sinh trong chống Mỹ trên chiến trường Nam Bộ . Mình đã dành nhiều thời gian để đi tìm hài cốt em, nhưng đều chưa có kết quả. Em và đồng đội đã yên nghỉ đâu đó trong lòng Đất Mẹ. Những dòng viết về em và đồng đội tự tuôn ra, chứ chẳng nghĩ nó là thơ hay câu đối.

Câu đối tại đền thờ liệt sỹ Đá Biên huyện Thạnh Hoá tỉnh Long An 

2. Vào cuối năm 1971 đầu 1972, hàng vạn sinh viên chúng tôi nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Bác, đã gác bút nghiên lên đường đánh Mỹ. Trong số này có một Trung đoàn mang tên E207, phần lớn chiến sỹ là sinh viên của Trường đại học Xây dựng cùng một số trường đại học như Bách khoa, Thủy lợi, Sư phạm…được tăng cường cho mặt trận Quân khu 8 (cũ).

Trong một trận đánh không cân sức tháng 10 năm 1973, giữa mênh mông đồng nước Tháp Mười, hơn hai trăm chiến sĩ của Trung đoàn đã hy sinh trước pháo bầy, trực thăng và xe lội nước của địch. Ðiều kiện chiến trường khi đó ác liệt, không cho phép đơn vị và du kích địa phương tiến hành tìm kiếm và chôn cất đầy đủ các liệt sĩ. Thi thể các Anh đã hòa tan trong sông nước và trong lòng Tổ quốc.

Tháng 10 năm 2012, Khu tưởng niệm Liệt sỹ E207 được xây dựng tại ấp Đá Biên xã Thạnh Phước huyện Thạnh Hoá tỉnh Long An, là nơi thờ cúng hương hồn các Anh.

Năm 2013, thương nhớ và tri ân đồng đội đã ngã xuống, Ban liên lạc Cựu sinh viên đồng ngũ Công an Vũ trang 1971-1972 (nay là bộ đội biên phòng) đã quyên góp được hơn hai trăm triệu đồng để thực hiện một số công trình của Đền thờ như bàn thờ, câu đối, hệ thống xử lý nước.

Riêng đôi câu đối, sau nhiều cuộc họp cân nhắc về nội dung, mỗi người một ý, tôi đưa ra ý tưởng sử dụng hai câu thơ của Trần Thế Tuyển : Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia để mọi người cùng suy nghĩ. Đề xuất đó đã nhanh chóng tạo được sự đồng thuận rất cao. Ai cũng bảo hai câu thơ này ứng với anh em mình quá. Tôi điện cho Trần Thế Tuyển xin phép tác giả được sử dụng hai câu thơ này làm câu đối trong đền thờ.

Chúng tôi đã cho trạm trổ đôi câu đối, sơn son thếp vàng, trên hai tấm gỗ căm xe nguyên khối. Mỗi tấm cao 4m10, rộng 50cm, dày 07cm, dựng trên hai cột còn lại giữa nhà thờ. Mọi người đến viếng đều trầm trồ, tâm đắc với đôi câu đối này.

Như một sự lan toả tự nhiên, các cụ xưa thường nói “ Hữu xạ nhiên hương “ , tôi được biết có nhiều địa phương, nhiều khu di tích đã sử dụng hai câu thơ này làm câu đối khắc trên gỗ quý, tạc trên chuông đồng đặt ở nơi thờ tự các Liệt sỹ. Hai câu thơ đã không còn là tài sản riêng của Trần Thế Tuyển mà đã trở thành tài sản văn hoá tinh thần của nhân dân như một câu ca dao đúng nghĩa.

Xin cảm ơn nhà báo-nhà thơ Trần Thế Tuyển đã giúp chúng tôi thực hiện được tâm nguyện của mình.

 

Theo: thv.vn
Ngày đăng 13/10/2017 10:35:55
1 views
Các tin khác
«   12345  »
Trang chủDanh bạ doanh nghiệpSở hữu trí tuệVăn bản pháp lýChương trình thương hiệuThông tin doanh nghiệp