banner-sapuwa
banner-quang-cao-2

Tái cơ cấu VNPT: Kết thúc có hậu?

Ngày đăng 16/06/2014 07:00:00

Sau gần 10 năm chờ đợi, bài toán Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) cuối cùng cũng đã có lời giải khi Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp này. Ai đi ai ở đã có đáp án rõ ràng, điều đáng chờ đợi hiện nay là cả VNPT lẫn MobiFone sẽ nắm lấy cơ hội này như thế nào để có thể cùng có một cái kết có hậu cho cả đôi bên.

Cổ phiếu MobiFone: Đáng để chờ đợi

 

Tách khỏi VNPT mà không phải chịu một vướng bận nào, MobiFone được đánh giá là quá thuận lợi trên con đường phía trước. Đặc biệt, việc Thủ tướng nêu rõ phải trình phương án cổ phần hóa (CPH) MobiFone trong năm 2014 lại một lần nữa khiến nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán xôn xao chờ đợi.

 

Trên thực tế, CPH MobiFone đã được khởi nguồn từ thời điểm 2005 và nhiều lần được nhấc lên đặt xuống những năm sau đó. Tuy nhiên, mãi 9 năm sau, câu chuyện này mới được ngã ngũ. Mặc dù không hẳn là thời cơ vàng để CPH, nhưng đây cũng là thời điểm tốt khi hàng loạt nhà đầu tư lẫn quỹ đầu tư nước ngoài đang sẵn sàng đổ vốn vào chứng khoán Việt Nam.

 

Theo các chuyên gia viễn thông, MobiFone có đầy đủ điều kiện để trở thành một cổ phiếu khủng  trên sàn. Sức hút của MobiFone là không thể chối cãi bởi hiệu quả kinh doanh quá tốt, chất lượng dịch vụ viễn thông được đánh giá cao và tốc độ tăng trưởng ổn định.

 

Mặt khác, thị trường chứng khoán cũng đang đói các cổ phiếu lớn, chưa kể, đối với các doanh nghiệp viễn thông ngoại, mua cổ phiếu MobiFone là cơ hội tốt để đặt chân vào thị trường viễn thông Việt Nam. MobiFone cũng có rất nhiều đối tác “chung thủy” khi quyết tâm theo đuổi việc mua cổ phần từ nhiều năm trước cho đến hiện nay.

 

Điều khó khăn duy nhất MobiFone  sẽ phải đối mặt, đó là không giống như thời điểm “một mình một ngựa” của 10 năm về trước. Theo đó, làn sóng CPH, IPO và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong năm 2014 và 2015 có thể khiến cổ phiếu MobiFone giảm nhiệt rất nhiều. Khi hàng loạt doanh nghiệp lớn cũng đang xếp hàng chờ IPO như Viglacera, Vietnam Airlines, Cienco 4... MobiFone có thể mất đi sức hút vốn có.

 

Chưa kể những câu chuyện IPO không được thành công như mong đợi của các doanh nghiệp đình đám trước đó như Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ… cũng dễ khiến nhiều người cảm thấy hơi ngại.

 

VNPT có vượt vũ môn?

 

Ngoài cổ phiếu MobiFone đang rất nóng, với những thông tin được tiết lộ trong quyết định của Thủ tướng, tương lai VNPT như thế nào cũng là một câu chuyện được bàn cãi rất nhiều.

 

Theo đề án được Thủ tướng phê duyệt, ngoài việc tách MobiFone như đã định, các đơn vị từng là con cưng của VNPT như Bưu điện Trung ương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng sẽ được điều chuyển nguyên trạng về Bộ Thông tin - Truyền thông.

 

VNPT cũng sẽ “mất đứt” nhiều đơn vị khác về các địa phương như các bệnh viện đa khoa, viện điều dưỡng và phục hồi chức năng tại Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, các trường trung học bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tại Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng sẽ phải thoái hết vốn đang nắm giữ tại 63 doanh nghiệp khác bao gồm 54 công ty cổ phần; 4 công ty trách nhiệm hữu hạn; 4 quỹ và 1 ngân hàng thương mại cổ phần…

 

Như vậy, sau khi bóc tách bớt các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh ngoài ngành, quy mô của VNPT đã nhỏ hơn trước rất nhiều. VNPT mới sẽ bao gồm công ty mẹ VNPT với 66 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 3 công ty con và 18 doanh nghiệp do VNPT nắm giữ dưới 50% vốn. Với quy mô nhỏ gọn như thế, VNPT sẽ không còn đầu tư dàn trải mà tập trung chuyên môn hóa bằng các công ty chuyên biệt như VNPT Net, VNPT Media, VNPT VinaPhone, VNPT Technology...

 

Theo các chuyên gia viễn thông, với quy mô này, khó khăn ban đầu cho VNPT là không thể tránh khỏi, mà trong đó mất mát lớn nhất chính là để MobiFone ra riêng. Ngoài ra, việc VNPT không còn được sở hữu Bưu điện Trung ương, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, cũng được xem như thu nhỏ doanh nghiệp này. VNPT còn phải đối mặt với gánh nặng nợ nần của 2 vệ tinh Vinasat 1 và 2 và công ty Tài chính Bưu điện trong đó Vinasat 1, 2 đang có những khoản lỗ lên đến hàng ngàn tỷ đồng còn Công ty Tài chính Bưu điện đã âm vốn chủ sở hữu.

 

Tuy nhiên, xét về lâu về dài, với việc cắt bớt đầu tư ngoài ngành, CPH một mạng di động, tập trung nghiên cứu phát triển để đưa ra các dịch vụ mới tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin và viễn thông, VNPT đang đi đúng hướng, tinh giản bộ máy cồng kềnh để có thể vững vàng chạy đà “thoát xác”.

Theo: Theo saigondautu.com.vn
Ngày đăng 16/06/2014 07:00:00
1 views
Các tin khác
«   12345  »
Trang chủDanh bạ doanh nghiệpSở hữu trí tuệVăn bản pháp lýChương trình thương hiệuThông tin doanh nghiệp