Các doanh nghiệp chưa nhìn nhận đúng về tài sản thương hiệu
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2017: Định giá tài sản thương hiệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng 4-12 đều có chung một nhận định, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam từ các doanh nghiệp lớn cho đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như chưa nhìn nhận đúng về tài sản thương hiệu.
Ông Samir Dixit, Giám đốc Vùng châu Á-Thái Bình Dương, Công ty Brand Finance đưa ra ví dụ sinh động, trong Top 500 thương hiệu thế giới không có một thương hiệu Việt Nam nào. Qua sự thật có phần phũ phàng đó có thể thấy, thương hiệu Việt Nam đang ở đâu? Ông Samir Dixit cũng cho rằng, thương hiệu lớn nhất của Việt Nam so với các thương hiệu thế giới thì vẫn còn rất rất nhỏ.
Toàn cảnh diễn đàn.
Chung quan điểm này, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Mibrand cho biết, khái niệm định giá thương hiệu đối với các doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối mới, các công ty chưa biết nhiều về vấn đề này, mặc dù trên thế giới, định giá thương hiệu đã là một hoạt động phổ biến, nhất là trong hoạt động mua bán, sáp nhập. Các nhà đầu tư khi bỏ tiền cho một doanh nghiệp rất quan tâm và đánh giá cao sức mạnh giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đó. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra khoản chi phí lớn cho tài sản vô hình là thương hiệu.
Hãy đầu tư đúng để thu về tài sản vô giá
“Các thương hiệu Việt Nam từ trước đến nay chủ yếu chú trọng vào việc marketing thúc đẩy bán hàng chứ không quan tâm nhiều đến thương hiệu thì đây là một sai lầm rất lớn, các doanh nghiệp nên chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh của mình hơn là tập trung chú trọng vào bán hàng”, đó là lời khuyên của ông Samir Dixit, Giám đốc Vùng châu Á-Thái Bình Dương, Công ty Brand Finance.
Doanh nghiệp Việt Nam cần định giá tài sản thương hiệu.
Rõ ràng, tài sản thương hiệu là vô giá, nhưng để doanh nghiệp có thể hiểu đúng, đủ về vấn đề này, cũng như tiếp cận định giá thương hiệu lại không hề dễ dàng. Theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Vietnam, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải một số khó khăn khi định giá thương hiệu như: Khó khăn trong tiếp cận thông tin so sánh, các chỉ số; các quy định pháp lý về định giá thương hiệu còn chưa chặt chẽ, rõ ràng khiến các doanh nghiệp lúng túng… Và đặc biệt, một trong những nguyên nhân khiến định giá thương hiệu ở các doanh nghiệp Việt Nam còn kém xa thế giới là tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp về vấn đề thương hiệu.
Việc định giá thương hiệu theo tiêu chuẩn tài chính, đặc biệt là theo tiêu chuẩn thế giới là hết sức quan trọng, không chỉ với các doanh nghiệp tư nhân mà cả với các doanh nghiệp Nhà nước vì nó góp phần giảm thiểu cho Nhà nước những thất thoát trong quá trình cổ phần hóa và tránh cho doanh nghiệp thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh. Có thể xem định giá thương hiệu hiện nay là hoạt động cần thiết đồng thời là định hướng ưu tiên của mỗi doanh nghiệp. Không những thế, khi đã có định giá thương hiệu rồi, doanh nghiệp cần phải tiếp tục giữ gìn thương hiệu đó và phát triển giá trị của nó lên cao hơn nữa. Bởi lẽ, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, rất có thể những thương hiệu mới sẽ thay thế thương hiệu cũ. “Trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam có 11 thương hiệu mới đồng nghĩa với việc đã có những thương hiệu bị loại ra khỏi top, cho thấy, một khi định giá cao nhưng chúng ta không nuôi dưỡng, phát huy giá trị thương hiệu thì nó sẽ tụt giảm”, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Mibrand chia sẻ. Lời khuyên được đưa ra cho các doanh nghiệp tham dự diễn đàn đó là, hãy đầu tư cho thương hiệu, vì thứ tài sản tưởng như vô hình đó lại là tài sản vô giá của mỗi doanh nghiệp.