Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm việc với Đoàn Điều khoản IV của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do bà Era Dabla-Norris làm trưởng đoàn, vào ngày 20/4/2022
Cũng trong năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 18 dự thảo Nghị định biểu thuế để thực thi cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định/thỏa thuận thương mại song phương trong giai đoạn mới gồm: dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2019/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giai đoạn 2019-2022; Nghị định thực thi cam kết trong 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm: ASEAN (ATIGA); ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA); ASEAN - Nhật Bản (AJCEP); ASEAN - Ô-xtrây-lia - Niu Di-lân (AANZFTA); ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); ASEAN - Hồng Kông, Trung Quốc (AHKFTA); Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA); Việt Nam - Chi-lê (VCFTA); Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA); Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA); Việt Nam - EU (EVFTA); Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và 02 Hiệp định/thỏa thuận thương mại song phương Việt Nam - Cuba, Việt Nam - Lào theo AHTN 2022.
Trong đó, đã trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định số 21/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giai đoạn 2019-2022.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục tham gia đàm phán các FTA chưa kết thúc đàm phán, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - I-xra-en (VIFTA), Hiệp định Thương mại Việt Nam và Khối thương mại tự do Châu Âu (VN - EFTA FTA); đàm phán nâng cấp một số hiệp định thương mại tự do đã ký kết, như ASEAN - Úc - Niu Di-lân (AANZFTA), ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với Vương quốc Anh; chuẩn bị khởi động đàm phán hiệp định ASEAN - Canada.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 8, ngày 08/4/2022
Đồng thời, Bộ Tài chính đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực và đa phương trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN+3, APEC, V20, ASEM, WEF, OECD, PEMNA, tham gia các diễn đàn quốc tế của Liên hợp quốc, WTO, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới; triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính, nhất là về quản lý tài chính công; cập nhật các đánh giá, khuyến nghị của các tổ chức tài chính quốc tế về tình hình kinh tế vĩ mô, điều chỉnh chính sách tài khóa của Việt Nam để ứng phó với tình hình thế giới; duy trì hợp tác song phương với các quốc gia Lào, Campuchia, Cuba; triển khai MOU với các đối tác đã ký kết như Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Hungary, Ba Lan, Bộ Ngân khố Niu-Di-lân, Ốt-xtrây-li-a.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với sự chủ động hội nhập tài chính kinh tế quốc tế, cùng với việc duy trì ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh trong nước, nhờ đó, năm 2022, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với việc tăng xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách và tín nhiệm quốc gia. Theo đó, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với các kỳ đánh giá trước, nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên 68/120 nước, tăng 9 bậc so với năm 2019 và tăng 23 bậc so với năm 2017 (chu kỳ đánh giá 2 năm 1 lần).
Có thể nói, chưa lúc nào xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lại tốt như hiện nay. Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng “ổn định”; S&P nâng xếp hạng lên BB+ với triển vọng “ổn định”; Fitch xếp hạng BB với triển vọng “tích cực”... Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và là một trong số ít quốc gia trên toàn thế giới được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Trong bối cảnh nhiều nước bị hạ bậc tín nhiệm, hạ triển vọng, thì việc Việt Nam tiếp tục được các tổ chức liên tục nâng mức tín nhiệm quốc gia thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đưa nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành điểm sáng của khu vực. Điều này cũng cho thấy nền tảng về chính sách tài khóa được thực hiện chủ động, linh hoạt, hiệu quả, bội chi được giảm xuống, nợ công được kiểm soát chặt chẽ, tái cơ cấu nợ công hiệu quả. Việc được nâng xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp huy động được các nguồn vốn cả trực tiếp và gián tiếp từ khu vực bên ngoài vào trong nước sẽ tốt hơn.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vào ngày 16/9/2022
Trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Theo đó, đẩy nhanh hoàn thiện khung khổ pháp lý và triển khai thực thi cam kết về tài chính trong các FTA, các hiệp định thương mại song phương và WTO.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ chủ động theo dõi, đánh giá tác động thực thi các FTA và căng thẳng chính trị, thương mại giữa các nước lớn, để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.
Cùng với đó, tiếp tục chủ động tham gia, nâng cao hiệu quả các hoạt động hợp tác trong Tiến trình hợp tác tài chính khu vực và đa phương trong ASEAN, ASEAN+3, APEC, V20, ASEM, hợp tác với các tổ chức quốc tế, hợp tác tiểu vùng.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các cam kết thuế quan trong các hiệp định đã ký kết; tiếp tục đàm phán biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện FTA Việt Nam - Israel giai đoạn năm 2022-2027./.
H.Thọ