Trong bối cảnh cần có thêm nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 trong các năm 2022 và 2023, đồng thời dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tăng thu NSNN năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc củng cố, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia vững chắc để đủ sức chống chịu với các nguy cơ rủi ro bất định, khó lường.
Ảnh minh họa
Tổng thu NSNN năm 2022 ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021(NSTW đạt 125,8% dự toán; NSĐP đạt 129,9% dự toán). Trong đó, thu nội địa vượt 21,8% dự toán, tăng 9,9%; thu từ dầu thô vượt 176% dự toán, tăng 74,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 43,9% dự toán, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Để có được kết quả ấn tượng này, trước hết, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai có hiệu quả các giải pháp chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Nền kinh tế phục hồi tích cực (GDP cả năm tăng 8,02%, mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây). Qua đó, góp phần làm tăng thu NSNN. Riêng số thu từ hoạt động SXKD của 3 khu vực kinh tế vượt 18.4% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021, tương đồng với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Sau đó phải kể đến việc cơ quan hải quan đã đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt đã góp phần làm cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng hiện đại hóa, đơn giản, nhanh hơn, giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%, xuất siêu 11,2 tỷ USD. Kết hợp với giá các mặt hàng xăng, dầu và một số hàng hóa nhập khẩu có thuế tăng mạnh, góp phần tăng thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, phải kể đến nỗ lực rất lớn của cơ quan thuế, hải quan đã tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu; đẩy mạnh thu hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử còn nhiều dư địa; đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng điện tử, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc.
Trong năm 2022, cơ quan thuế đã thực hiện 68,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 779,3 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp. Qua đó kiến nghị xử lý tài chính 63,36 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 14,87 nghìn tỷ đồng; đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế là 39 nghìn tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã thực hiện 17,3 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra tại đơn vị được kiểm tra; kiểm tra 1,67 nghìn bộ hồ sơ tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 6,4 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN 6,28 nghìn tỷ đồng, xử lý vi phạm hành chính 137,3 tỷ đồng. Ngoài ra, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng; ước thu cả năm 2022 từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021 (hơn 20 nghìn tỷ đồng). Những nỗ lực trên đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu ngân sách trong năm 2022.
Thu NSNN đạt kết quả khả quan góp phần hỗ trợ tích cực cho cân đối NSNN, bù đắp được số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (tổng số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm, gia hạn năm 2022 ước khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng, trong đó: gia hạn khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng với chi phí cơ hội ước tính khoảng 7,4 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm khoảng 87,5 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, góp phần đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và có thêm nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi, giảm áp lực tăng bội chi NSNN để thực hiện Chương trình (năm 2022 Quốc hội cho phép điều hành tăng bội chi tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chương trình, năm 2023 cho phép tăng bội chi khoảng 137,2 nghìn tỷ đồng).
Ngoài ra, số tăng thu sẽ được dành một phần để thực hiện chính sách tiền lương, trong đó NSTW dùng 40% tăng thu, NSĐP dùng 70% tăng thu để thực hiện chính sách tiền lương (Quốc hội đã quyết định từ ngày 01/7/2023 tăng lương cơ sở là 1,8 triệu đồng) và tăng thêm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và các nhiệm vụ quan trọng cấp bách khác.
Như vậy, có thể thấy thu ngân sách tích cực có ý nghĩa rất quan trọng trong củng cố vững chắc an ninh tài chính quốc gia.
PT