Cty TNHH Lâm nghiệp Bảo Yên, khởi đầu là Lâm trường Bảo Yên, được giao quản lý 10.576 ha rừng và đất rừng. Thực hiện việc chuyển đổi từ lâm trường quốc doanh sang Cty TNHH MTV, Cty Lâm nghiệp Bảo Yên đã nhanh chóng thay đổi phương án sản xuất, chuyển từ việc trồng rừng theo kế hoạch sang trồng rừng kinh tế kết hợp phòng hộ.
Tổng diện tích rừng trồng của Cty hiện có hơn 3.400 ha, bao gồm: bồ đề, keo, mỡ, bạch đàn, luồng Thanh Hóa... Trong đó có trên 300 ha luồng trồng dọc bờ sông Chảy. Trữ lượng gỗ rừng trồng khoảng 200.000m3.
Từ nhiều năm qua, tận dụng nguồn nguyên liệu tre nứa của địa phương Cty xây dựng nhà máy SX giấy đế, giấy bao bì, đũa xuất khẩu và xưởng chế biến gỗ thanh. Năm 2013 tổ chức khai thác 8.600m3, chế biến gần 1.000 tấn giấy các loại. Cty phát huy thế mạnh đất đai, kết hợp trồng rừng và chế biến tạo thế đứng vững vàng của một Cty lâm nghiệp. Trồng rừng để tạo ra nguyên liệu, chế biến để nuôi rừng và người trồng rừng.
Người trồng rừng trong những năm qua có thu nhập cao, từ đó diện tích trồng rừng mỗi năm một tăng, năm 2011 diện tích trồng rừng mới 300,6 ha, năm 2012 diện tích trồng rừng mới đạt 1.201 ha, năm 2013 trồng mới 1.204 ha rừng.
![]() |
Ông Đỗ Văn Dũng - GĐ Cty cho biết: Lợi thế của Cty Lâm nghiệp Bảo Yên là đất đai, từ nhiều năm nay chúng tôi luôn phát huy lợi thế trồng vào bảo vệ rừng nên đã tồn tại được đến ngày nay. Nhiều Cty không giữ được đất, khi tư liệu SX quý nhất giao cho người khác thì sớm muộn cũng thành tay trắng. Cty Lâm nghiệp Bảo Yên đang thực hiện quy trình khép kín, trồng và chế biến, nên chủ động trong SX và đối phó được mọi biến động về thị trường...
Sản phẩm của Cty đều xuất khẩu ra nước ngoài, với những điều kiện bắt buộc sản phẩm phải có lý lịch rõ ràng. Nguyên liệu khai thác từ chính diện tích rừng trồng và thu mua của người dân nên mọi lô hàng của Cty đều có nguồn gốc được cơ quan chức năng chứng thực, nên không có lô hàng nào bị trả lại.
Từ tháng 8/2013 Cty Lâm nghiệp Bảo Yên đã khởi động dự án liên doanh với Cty Công nghiệp tre Tiến Phát xây dựng nhà máy MDF, SX hai loại sản phẩm là ván gỗ ép và ván tre ép để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, công suất 180.000m3 sản phẩm/năm.
Đây là sản phẩm có thị trường trong nước và thế giới, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ mỗi năm 360.000m3 nguyên liệu. Khoảng 10.000 hộ nông dân của huyện Bảo Yên sẽ được hưởng lợi từ việc bán sản phẩm rừng trồng cho nhà máy mà không bị ép giá.
Thế đứng của Cty Lâm nghiệp Bảo Yên đang được khẳng định vững vàng trong việc trồng và bảo vệ rừng kết hợp mở các nhà máy chế biến lâm sản. Vì thế, trong nhiều năm qua Cty đã góp phần tích cực cùng với người dân bảo vệ tốt diện tích rừng của huyện Bảo Yên không bị xâm hại.