Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh Vũ Nam
Năm 2016 mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng ngành VH-TT&DL vẫn đạt được những kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực. Trong đó, lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tăng 9% so với năm 2015; Tổng thu từ du lịch đạt hơn 400.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2015, về đích trước 4 năm so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Lần đầu tiên Thể thao Việt Nam đoạt huy chương vàng tại Olympic và Paralympic với thành tích xuất sắc của VĐV Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB và phá kỷ lục Olympic, đưa đoàn thể thao Việt Nam xếp vị trí thứ 48/216 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt được kết quả quan trọng. Năm 2016, di sản văn hóa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được Ủy ban Liên chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hai di sản tư liệu: Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế và Mộc bản Trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) được Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi danh là Di sản Tư liệu thế giới.
Thủ tướng chỉ đạo, phát triển văn hóa trên cơ sở bảo đảm bền vững hài hòa, gắn kết với phát triển kinh tế. Ảnh Vũ Nam
Tiếp tục phát huy kết quả trong năm 2016, kế hoạch năm 2017, Bộ VH-TT&DL tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường giải pháp thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ năm 2017. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch ở trong và ngoài nước. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa đối ngoại phục vụ Hội nghị APEC 2017. Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hoá. Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về di sản văn hóa ở địa phương; đổi mới hình thức, nội dung các triển lãm, trưng bày gắn với các hoạt động truyền thông, quảng bá thu hút khách tham quan đến bảo tàng. Phấn đấu năm 2017, đạt 81,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó: Khách du lịch quốc tế đạt khoảng 11,5 triệu lượt. Khách du lịch nội địa đạt khoảng 70 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 460 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2016 Bộ VH-TT&DL đã chủ động, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực được giao. Kết quả của ngành đạt được là rõ nét và toàn diện. Đây là thành công đáng mừng của Bộ VH-TT&DL và các địa phương. Thủ tướng biểu dương sự cố gắng lớn lao của cán bộ toàn ngành đã đóng góp trong năm 2016 vừa qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại khi môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, lệch lạc, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, thể hiện những thói hư tật xấu, xuống cấp trong đạo đức, lối sống, chuộng hư danh.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trao cờ thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc năm 2016. Ảnh Vũ Nam
Thủ tướng chia sẻ và nhất trí với 14 nhiệm vụ, giải pháp mà ngành VH-TT&DL nêu ra, đồng thời mong muốn ngành đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ quý I/2017. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng về văn hóa.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu ngành tiếp tục xây dựng bản lĩnh văn hóa là nền tảng hun đúc tinh thần của xã hội thông qua từng pho tượng, bức tranh, lời ca tiếng hát để xây dựng xã hội vui tươi, phấn khởi hơn. Muốn vậy, ngành cần tạo dựng một không gian sáng tạo để xuất hiện những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. “Lãnh đạo ngành văn hóa còn khó hơn ngành kinh tế vì kinh tế thì còn có quy luật nhưng văn hóa thì không. Các đồng chí không nên coi nhẹ văn hóa, nếu coi nhẹ, đất nước sẽ không phát triển được đâu. Do vậy, phải chú ý tới con người làm văn hóa” - Thủ tướng phân tích.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, cần đặt văn hóa có vị trí ngang hàng với các lĩnh vực trọng yếu trong sự phát triển đất nước. Cần đẩy mạnh phát triển văn hóa trên cơ sở bảo đảm bền vững hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Văn hóa không thể đi sau kinh tế. Coi nhẹ văn hóa thì đất nước không thể tồn tại và phát triển bền vững. Ngoài ra, ngành phải chủ động, tham mưu, đề xuất với Chính phủ và chính quyền các cấp ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm xóa bỏ các rào cản cho phát triển văn hóa. Quan tâm phát triển văn học nghệ thuật; bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Tiếp tục vun xới, phát huy và gìn giữ văn hóa Việt Nam trường tồn trong hội nhập, khắc phục những hạn chế, rào cản. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, Bộ VH-TT&DL phải chủ động phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng văn hoá trong kinh tế; khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hoá, nâng cao giá trị văn hoá trong các sản phẩm mang đặc trưng, đặc sắc của mỗi địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch để tìm nguồn lực bổ sung cho văn hóa, thể thao và du lịch. Tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, tiến bộ, giữ gìn phát huy truyền thống đạo lý dân tộc trong quan hệ gia đình, dòng họ, gắn bó có trách nhiệm giữa các thế hệ trong gia đình. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả chiến lược phát triển du lịch, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn; Yêu cầu khắc phục ngay những vấn đề là nỗi lo sợ của du khách như chèo kéo, chặt chém… Cần gắn việc thúc đẩy văn hóa, du lịch, thể thao với APEC 2017.