banner-sapuwa
banner-quang-cao-2

Van Laack: Từ mạo hiểm tới thành công

Ngày đăng 26/09/2013 07:00:00

“Đầu tư vào Việt Nam năm 1993 - thời điểm thị trường Việt Nam còn xa lạ với các nhà đầu tư nước ngoài, khi cấm vận vẫn đang duy trì, đây được coi là quyết định táo bạo và mạo hiểm của Tập đoàn Van Laack. Nhưng nhìn lại chặng đường 20 năm đầu tư tại Việt Nam, Van Laack đã minh chứng hướng đi của mình là đúng đắn”.

Bà Kim Thu Hương, Giám đốc Van Laack-Asia Việt Nam đã chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam Economic News.
Năm 2013 đánh dấu 20 năm Van Laack có mặt tại Việt Nam, bà có thể chia sẻ với bạn đọc về chặng đường đã qua của Van Laack?
Van Laack tới Việt Nam như là một cơ duyên tình cờ của nguyên Giám đốc Van Laack - ngài Rolf Getschmann trong chuyến tháp tùng ngài Bộ trưởng Kinh tế Đức thăm Việt Nam vào đầu năm 1993. Bằng kinh nghiệm và nhìn nhận sâu sắc, qua các cuộc gặp con người, lãnh đạo Việt Nam, ông Getschmann đã nhận thấy ở người Việt sự thân thiện, cởi mở, nhanh nhạy, cần cù. Ông đã có một quyết định táo bạo là đầu tư tại Việt Nam, thị trường còn xa lạ với các nước phương Tây thời điểm đó.
Thực tế cho thấy, hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam gặp nhiều thách thức từ thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, hệ thống logistic, trình độ tay nghề, đặc biệt vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng với kinh nghiệm, chính sách đầu tư công nghệ, cách làm việc khoa học và tập trung xây dựng nguồn nhân lực, Van Laack đã đưa ra chiến lược phù hợp với từng giai đoạn và thành công trong 20 năm qua tại Việt Nam là minh chứng cho hướng đi đúng của Van Laack.
Chúng tôi tự hào rằng thành công của Van Laack-Asia tại Việt Nam cũng đóng góp một phần vào thành công trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội của Việt Nam thông qua giá trị xuất khẩu hàng hóa và nâng cao trình độ, nhận thức, tác phong làm việc cho CBCNV làm việc tại môi trường Van Laack.
Đáng chú ý, Van Laack đã hợp tác với Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) lập trung tâm dạy nghề nhằm đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động. Về công tác xã hội hỗ trợ người lao động, nhận thấy 90% lao động trong lĩnh vực may mặc là phụ nữ, chúng tôi đã xây dựng một nhà trẻ ngay tại công ty dành cho con em CBCNV, giúp các bà mẹ yên tâm công tác….
Là doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có thương hiệu toàn cầu, xin bà cho biết những thị trường xuất khẩu chính của Van Laack Việt Nam?
Van Laack Việt Nam là một trong những nhà máy sản xuất chính của Tập đoàn Van Laack. Sản phẩm của chúng tôi chủ yếu là áo sơ mi nam, nữ. Sau khi hoàn thiện, các sản phẩm này sẽ được đưa tới hệ thống cửa hàng hoặc hệ thống nhượng quyền thương hiệu của Van Laack tại nhiều nước.
Thị trường chính của Van Laack là khu vực châu Âu với nhiều quốc gia như Đức, Bỉ, Áo, Thụy Sỹ.… Đặc biệt, trong vòng 10 năm trở lại đây, với chính sách marketing chuyên nghiệp của ông Christian von Daniels, việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam để tăng sản lượng bán hàng và mở rộng thị trường đã cải thiện rõ rệt. Hiện Úc là thị trường thứ hai của Van Laack sau châu Âu. Bên cạnh đó, Van Laack còn có mặt tại thị trường Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Malaysia, India và Việt Nam. Như vậy, Van Laack đã tạo được thành công trong việc đa dạng hóa thị trường và tăng cao số lượng bán hàng.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực may mặc, bà đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực này?
Lĩnh vực may mặc của Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc với hướng đi tốt, mang lại giá trị kim ngạch lớn cho đất nước. Tôi thấy rằng ngành may mặc của Việt Nam đã chú trọng hơn về nâng cao chất lượng, cải thiện môi trường làm việc, năng suất nhằm cạnh tranh với thị trường ngoài nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chỉ mới tạo được hình ảnh là một công xưởng gia công do chưa chủ động là một nhà kinh doanh thực thụ, trong đó cần được hiểu là đưa ra thị trường hàng hóa, mẫu mã, sản phẩm được chế tạo từ A tới Z bao gồm nguyên vật liệu và nguyên phụ liệu. Tôi thấy rằng Chính phủ cũng đã thấy được điều này và quyết tâm cải thiện.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần định hướng cạnh tranh bằng việc tạo ra sản phẩm có chất lượng, tạo uy tín và nhanh nhất phát triển các trung tâm đào tạo nghề chuyên sâu. Khi đó, chắc chắn Việt Nam sẽ có chỗ đứng tốt trên thị trường quốc tế và thu hút được những khách hàng dài lâu.
Có câu nói rằng: “Cơ hội chỉ tới một lần, ai không nắm được sẽ bị vuột khỏi”. Cho tới nay, tôi thấy rằng Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam đã ký nhiều thỏa thuận hỗ trợ về đào tạo nghề, mở trường học, nâng cao trình độ cho nhân lực Việt, thì đây là điều kiện, cơ hội tốt cho Việt Nam. Việt Nam nên tận dụng lợi thế này để đầu tư chiều sâu, cùng với các chính sách đúng đắn tạo nên đội ngũ nhân lực chất lượng cao./.
Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo: Theo VEN
Ngày đăng 26/09/2013 07:00:00
1 views
Các tin khác
«   12345  »
Trang chủDanh bạ doanh nghiệpSở hữu trí tuệVăn bản pháp lýChương trình thương hiệuThông tin doanh nghiệp