Từ khi xây dựng chính quyền cách mạng đến nay, chúng ta đã có Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và các Hiến pháp sau này vào các năm 1958, 1980, 1992, 2013.
Thử xem lại Lời nói đầu của các Hiến pháp nói về tuổi của nước ta.
- Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946 không nói nước ta bao nhiêu năm.
- Lời nói đầu Hiến pháp năm 1959 viết:
“Nước Việt Nam ta là một nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Dân tộc Việt Nam trải qua mấy nghìn năm lịch sử là một dân tộc lao động cần cù luôn anh dũng đấu tranh xây dựng đất nước và giữ gìn độc lập của Tổ quốc”.
- Lời nói đầu Hiến pháp năm 1980 viết:
“Trải qua bốn nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm để dựng nước và giữ nước. Cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ vì độc lập, tự do đã hun đúc nên truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta”.
- Lời nói đầu Hiến pháp năm 1992 viết:
“Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”.
- Lời nói đầu Hiến pháp năm 2013 viết:
“Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”.
Từ đó, một câu hỏi đặt ra: Nước ta có bốn nghìn năm lịch sử hay mấy nghìn năm?
![]() |
Trong buổi bình minh của nhân loại, con người còn mang những đặc điềm giống với loài vượn nên chúng ta thường gọi là “Người vượn”. Sau hàng triệu, hàng chục vạn năm gian khổ lao động và sáng tạo từ những công cụ bằng đá cũ thô sơ đến sự phát minh ra kỹ thuật luyện kim và nghề nông trồng lúa nước, dùng cày có sức trâu bò kéo, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng được nâng cao, từng bước làm thay đổi bộ mặt xã hội, đưa đến hình thành một lãnh thổ chung, một nền văn hóa, văn minh chung, một tổ chức chính trị - xã hội chung và một nhà nước chung.
Ở nước ta, không có bộ sử nào ghi lại thời kỳ đó. Mãi đến thế kỷ thứ 14, Lê Văn Hưu mới soạn được bộ Đại Việt sử ký - bộ quốc sử đầu tiên của nước ta, ghi lại những sự kiện quan trọng chủ yếu của nước ta trong một giai đoạn lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế - tức Triệu Đà đến Lý Chiêu Hoàng. Bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển, hoàn thành vào năm 1272, được vua Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen.
Rất tiếc, đến nay bộ Đại VIệt sử ký của Lê Văn Hưu không còn, nhưng những lời nhận xét của ông vẫn được nghi lại trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, gồm 29 đoạn ghi rõ: "Lê Văn Hưu viết ...". Trong bài tựa Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết: "Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi”.
![]() |
Bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên xuất bản năm 1697 - bộ quốc sử xưa nhất của nước ta còn nguyên vẹn đến ngày nay có ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời đại truyền thuyết Kinh Dương Vương năm 2879 trước Công nguyên đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê. Bộ sử này đã sưu tập nhiều huyền thoại dân gian của đời sau để bù đắp cho những khiếm khuyết của sử liệu. Ở đây, nổi bật nhất là một Người được coi là Thủy tổ của người Việt Nam chúng ta. Đó là Kinh Dương Vương.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa), gặp một nàng tiên (Tiên Nương công chúa), lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc) và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam). Năm Nhâm Tuất 2879 trước Công nguyên, Lộc Tục lên ngôi, xưng là Kinh Dương Vương, lấy quốc hiệu là Xích Quỷ (tên một vì sao sáng đỏ rực bầu trời trong dải Ngân hà). Lãnh thổ quốc gia dưới thời Kinh Dương Vương rộng lớn, phía Bắc tới sông Dương Tử (cả vùng hồ Động Đình), phía Nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Đông tới biển Đông (một phần Thái Bình Dương), phía Tây tới Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Hoa ngày nay). Về sau người Việt chỉ còn thấy ở miền Bắc Việt Nam, có thể do cuộc chiến loạn lạc thời Xuân Thu chiến quốc, dân tộc Hoa Hạ phương Bắc tràn xuống lấn áp dân tộc Việt bờ Nam sông Dương Tử.
Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên Thần Long) là Long nữ sinh ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.
Đế Nghi cai trị phương Bắc có một người con trai là Đế Lai, sau này được truyền lại ngôi báu. Trong một lần đi du ngoạn xuống phương Nam, Đế Lai đã đem theo Âu Cơ - cô con gái yêu quý của mình. Tại đây, Âu Cơ đã gặp Lạc Long Quân. Họ đem lòng yêu thương nhau và nên duyên vợ chồng, sinh một bọc trăm trứng nở ra trăm người con trai. Sống với nhau hòa thuận được một thời gian thì nhà vua nói với Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy - hỏa khắc nhau không thể chung sống. Rồi họ tạm biệt nhau, chia năm mươi người con theo mẹ lên rừng và bốn mươi chín người con theo cha xuống miền Nam hải, phong cho con trai trưởng ở lại làm vua nối ngôi vị của cha. Người con trai trưởng - Hùng Vương thứ nhất đã đi nhiều nơi và thấy mảnh đất Phong Châu, Phú Thọ là nơi địa linh nhân kiệt. Ông đã di dời đô về đây, đặt quốc hiệu là Văn Lang.
Các bộ lịch sử Việt Nam về sau đều công nhận Kinh Dương Vương là thủy tổ của nước Việt. Như vậy, Kinh Dương Vương là cha của Lạc Long Quân, là ông nội của vua Hùng thứ nhất.
Có ít nhất 18 đời Hùng Vương (mỗi đời có thể có nhiều chi, nhiều vị vua) cai trị trong thời đại Hồng Bàng, đến năm 258 trước Công nguyên. Những thông tin về các đời vua Hùng dựa nhiều trên các truyền thuyết. Cũng có nhiều bằng chứng về khảo cổ học như trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam có cùng niên đại với thời kỳ Hồng Bàng, thể hiện một nền văn hóa đồ đồng rất phát triển (văn hóa Đông Sơn).
Kinh Dương Vương mất tại mảnh đất Luy Châu (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay). Nhân dân đã chọn phần đất cao, địa thế đẹp đắp mộ thờ phụng ông ở tại làng Á Lữ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bây giờ.
Sau 4.892 năm, trải qua nhiều biến thiên lịch sử nước nhà, qua hơn 1.000 Bắc thuộc, trải bao cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, truất vị đổi ngôi, nhưng mộ phần của Kinh Dương Vương vẫn giữ nguyên được hình dáng và vị trí.
Lăng mộ, đền thờ Kinh Dương Vương - nhân vật huyền thoại được coi là "Nam Bang Thủy tổ" (Thủy tổ nước Nam) nằm bên bờ sông Đuống. Lăng nhìn ra sông, có nhiều bậc tam cấp xuống tận mép nước. Đền xây trong làng, cổng Tam môn có đôi rồng đá chầu vào và những trụ đèn lồng hai bên cánh phong đắp nổi hình võ sĩ giáp trụ oai nghiêm. Từ ngoài nhìn vào, cổng Tam môn đắp nổi bốn chữ Hán "Thủy Tổ đài môn" (Cửa đền thờ Đức Thủy Tổ). Từ trong nhìn ra, đắp nổi ba chữ "Ẩm Tư Nguyên" (Uống nước nhớ nguồn). Ngay lối vào Lăng có một tấm bia đá khắc nổi hai chữ Hán "Hạ Mã" nhắc nhở mọi người xuống ngựa (xe) trước khi vào viếng.
Lăng mộ Kinh Dương Vương được ghép toàn bằng đá xanh. Trên lăng khắc nổi hai chữ Hán cổ "Bất vong" (Trường tồn, không bao giờ mất). Tấm bia đá trong lăng khắc sâu bốn chữ Hán lớn "Kinh Dương Vương lăng" (Lăng Kinh Dương Vương). Phần lạc khoản cho thấy, tấm bia lăng được khắc dựng trong lần trùng tu vào năm Minh Mạng thứ 21 (năm 1840). Trong đền thờ Thủy Tổ, ở gian tiền tế có hai bức đại tự: "Nam Bang Thủy tổ" (Ông Tổ nước Nam) và "Thần Tiên Thiên tử" (con của Thần, Tiên và Trời). Trong gian chính điện, ở vị trí trang trọng nhất đặt ngai, bài vị thờ Kinh Dương Vương với bức đại tự "Nam Bang Thủy tổ". Bên phải là ngai, bài vị thờ vua cha Lạc Long Quân với bức đại tự "Hải khoát sơn tràng" (Biển rộng núi dài). Bên trái là ngai, bài vị thờ mẹ Âu Cơ với bức đại tự "Bách Việt Tổ" (Tổ Bách Việt).
Trong khuôn viên đền thờ Kinh Dương Vương còn có chùa Đông Linh Bát Nhã (Đông Linh Bát Nhã tự) thờ Tam tòa Thánh Mẫu là Thiên Tiên Thánh Mẫu (tức Tiên Nương công chúa, con gái cụ Vụ Tiên, vợ cụ Đế Minh, thân mẫu Lộc Tục - tức Kinh Dương Vương); Thượng Ngàn Thánh Mẫu (tức Nữ Thần Long, vợ cụ Kinh Dương Vương, thân mẫu Sùng Lãm - tức Lạc Long Quân) và Thủy Tiên Thánh Mẫu (tức mẹ Âu Cơ)… Toàn bộ quần thể khu di tích thấp thoáng dưới những vòm cây xanh lá, thâm u và tĩnh mịch. Mỗi khi có gió nhẹ từ mặt sông Đuống thổi lên, tiếng lá xào xạc như tiếng vọng về từ muôn ngàn xưa.
Tưởng nhớ tổ tiên, từ hàng nghìn năm nay, cứ vào ngày 18 tháng Giêng âm lịch, nhân dân từ xa đến gần, từ thôn trang đến phủ chúa nô nức về dự lễ hội hướng về cội nguồn, thắp hương tưởng nhớ Thủy Tổ Kinh Dương Vương, Thế Tổ Lạc Long Quân, Tam Vị Thánh Tổ.
Thời gian gần đây, khu di tích này được sự quan tâm đặc biệt của nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như các vị quan chức, các nhà khoa học và nhân dân các tỉnh thành trong cả nước. Nhiều người trong số họ đã về dâng hương, dự khai mạc lễ hội Kinh Dương Vương…
Chấp nhận Kinh Dương Vương là Thủy tổ nước Nam, đề nghị Nhà nước ta nên lấy năm ông lên ngôi - năm Nhâm Tuất 2879 trước Công lịch là năm khai sinh ra nước Việt Nam ta. Nếu được như vậy, đến năm nay nước ta được 2879 + 2013 = 4.892 năm.
Chúng ta có thể tự hào viết: Trải qua gần 5.000 năm lịch sử…
Và con cháu dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh quyết tâm phấn đấu để đất nước Việt Nam ta ngày càng phồn vinh, giàu mạnh, dân tộc hạnh phúc, nhân dân ấm no, xứng đáng sánh vai các nước bè bạn khắp năm châu, xứng đáng với lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha chúng ta./.